Sáng 6/9, Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với chủ đề "Di sản thế giới vì tự cường và phát triển bền vững" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đồng tổ chức, đã diễn ra trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.
Tham dự Lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các ban, ủy ban, văn phòng, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, lãnh đạo Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, các Tiểu ban trực thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và các tỉnh, thành phố có di sản thế giới và đang xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới tại Việt Nam; lãnh đạo Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; Đại sứ-Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO.
Về phía đại biểu quốc tế tham dự Lễ kỷ niệm, có bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO; đại diện Ban Thư ký UNESCO, lãnh đạo Trung tâm di sản thế giới (WHC), Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS), Hội đồng bảo tàng quốc tế (ICOM); Đại sứ các nước có cơ quan đại diện tại Việt Nam đang là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới và các tổ chức quốc tế, trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam; Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam.
[Việt Nam lần thứ 2 trúng cử vào Ủy ban UNESCO về bảo vệ di sản]
Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết cách đây 50 năm, ngày 16/11/1972, tại Kỳ họp lần thứ 17 diễn ra ở Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Từ đó đến nay, có 194 quốc gia phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước này.
Việc ra đời Công ước 1972 có thể xem như là "hòn đá tảng," đặt nền móng vững chắc cho công tác bảo vệ di sản; đây là Công ước quốc tế duy nhất kết hợp giữa việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có ảnh hưởng sâu rộng, được các quốc gia thành viên nghiên cứu áp dụng trong việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới.
Là thành viên của Tổ chức UNESCO từ năm 1976, chính thức phê chuẩn tham gia Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế gliới từ ngày 19/10/1987, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn thực hiện tốt các quy định của Công ước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh với nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ, phong phú, đặc sắc, Việt Nam đã lựa chọn, lập hồ sơ tám di sản văn hóa, thiên nhiên tiêu biểu và được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.
Cùng với đó, kể từ khi tham gia Công ước 1972 đến nay, Việt Nam đã 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO và là một trong 21 thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013-2017.
Quá trình tham gia Công ước, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và Di sản Thế giới nói riêng, thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa.
Bước sang giai đoạn 2021-2025, hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO tiếp tục được củng cố thông qua việc hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ nhằm nâng cao năng lực quản lý và tăng cường mạng lưới các Khu Di sản Thế giới, đảm bảo tính phù hợp và tiếp tục đóng góp cho các chiến lược phát triển quốc gia, cũng như các chiến lược phát triển của địa phương.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trước thời điểm dịch COVID-19, năm 2019, các Di sản Thế giới ở Việt Nam đã đón trên 19 triệu lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm, với tổng doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ đạt 1.800 tỷ đồng.
"Đây là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản thế giới tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần cân bằng/bảo vệ môi trường, củng cố hòa bình và an ninh theo hướng phát triển bền vững cho Việt Nam và thế giới," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi Lễ, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định Lễ kỷ niệm là dịp để UNESCO và Việt Nam cùng nhau đánh dấu mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển.
Tổng Giám đốc UNESCO cho biết chỉ riêng 5 năm qua, UNESCO đã dành hỗ trợ đối với ưu tiên của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý về di sản cũng như công tác kiểm kê các di sản phi vật thể của Việt Nam.
"Tôi xin được hoan nghênh các cơ quan chức năng của Việt Nam vì đã phát huy đầy đủ tiềm năng của các công ước văn hóa của UNESCO," Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay phát biểu, đồng thời khẳng định việc các di sản văn hóa của Việt Nam thời gian qua được vinh danh chính là một minh chứng về tầm quan trọng mà cả UNESCO và Việt Nam đều nhìn nhận ở việc phát huy giá trị của di sản.
Nêu bật những thách thức trong thực thi Công ước hiện nay, như dung hòa giữa phát triển với bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đưa ra thông điệp: Bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ. Đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo rằng thế giới của chúng ta không bị sụp đổ thêm nữa. Đó là sự kết nối giữa quá khứ và tương lai.
"Chúng ta phải đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng mà chúng đáng có. Chúng ta cần phải coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ví dụ ở Việt Nam," Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc cho biết trong 35 năm tham gia Công ước 1972, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, với tư cách là cơ quan điều phối hợp tác với UNESCO tại Việt Nam, đã thường xuyên và là kênh kết nối nhanh nhất, mang lại hiệu quả cao nhất trong việc thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực, chuyên môn bảo tồn di sản; thúc đẩy hợp tác quốc tế và giáo dục di sản.
Với quan điểm "lấy con người làm trung tâm," việc bảo vệ di sản cũng chính vì lợi ích của con người, nhất là cộng đồng bản địa; luôn đồng hành với các khu di sản trong công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị.
Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa trong việc bảo tồn và phát huy các di sản trên thế giới, Việt Nam đang ứng cử làm thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 và mong nhận được sự ủng hộ của các quốc gia thành viên Công ước, để có điều kiện tốt hơn triển khai các mục tiêu nói trên.
Bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi và vinh dự khi Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới, bà Lưu Thị Dung, đại diện Cộng đồng tại Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An khẳng định, sau 8 năm Tràng An được công nhận Di sản Thế giới, người dân Ninh Bình ngày càng hiểu rõ hơn về các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản và nhận thức sâu sắc về trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn Di sản, cho các thế hệ con cháu và cao cả hơn là cho toàn nhân loại.
"Được tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 hôm nay thực sự là cơ hội để người dân chúng tôi được biết, được tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị to lớn mà di sản đã, đang mang lại cho cuộc sống của mỗi người dân; để thấy thêm yêu, thêm quý trọng những giá trị lịch sử, văn hóa và tự nhiên của quê hương, đất nước mình," bà Lưu Thị Dung cho biết.
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã được theo dõi các đoạn phim ngắn giới thiệu các khu di sản, kinh nghiệm, điển hình hay trong công tác bảo tồn và phát huy di sản thế giới tại Việt Nam; thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, đậm chất văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Bên lề Lễ kỷ niệm, "Triển lãm ảnh di sản thế giới" đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu.
Trước đó, chiều 5/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã tới dâng hương tại Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Đền thờ Vua Lê Đại Hành tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư./.