Bảo vật Quốc gia Lá đề chim phượng và những ý nghĩa đặc sắc

Trong khi hình tượng chim phượng có nhiều ý nghĩa tượng trưng cao quý, hình tượng lá đề là biểu tượng của Phật giáo, hai yếu tố thể hiện sự hòa quyện giữa thần quyền và thế quyền dưới thời nhà Lý.

Bước vào không gian trưng bày di vật khảo cổ tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, có lẽ ai cũng để ý một hiện vật lớn tại khu vực thời nhà Lý. Đó là hiện vật, Bảo vật Quốc gia Lá đề chim phượng.

Hiện vật là một chiếc ngói nóc lớn, được dùng để trang trí tại chính giữa mái, được phát lộ từ năm 2003 tại Khu di tích khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu. Hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào cuối năm 2021.

Khi phát lộ, phần đế ngói đã bị vỡ còn phần lá đề bị nứt gãy, sau khi được phục chế đã được đưa vào khu trưng bày. Đây cũng là hiện vật nguyên gốc, độc bản, đóng góp giá trị quan trọng trong nghiên cứu nghệ thuật thời Lý thế kỷ XI-XII.

Về mặt ý nghĩa, hai yếu tố lá đề và chim phượng còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, thể hiện kết hợp hài hòa giữa biểu tượng và triết lý Phật giáo với biểu trưng uy quyền hoàng gia.

Theo hồ sơ Bảo vật Quốc gia do Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long cung cấp, hiện vật mang hình ảnh hai con chim phượng nhún nhảy, chầu ngọc, được khắc họa trên một hình tượng lá đề lớn.

Cây Bồ đề được coi là cây thiêng đối với các tôn giáo như Bà La Môn, Kì Na giáo và Phật giáo. Tương truyền, Thái tử Tất đạt đa Cồ đàm đã ngồi thiền dưới gốc Bồ đề và giác ngộ thành Đức Phật Thích Ca. Chính vì vậy, lá đề được coi là biểu tượng của Phật giáo.

[Phát hành bộ tem bảo vật quý về Phật giáo và ấn vàng thời Trần, Nguyễn]

Đối với hình tượng chim phượng hay phượng hoàng, đây là loài chim có nguồn gốc từ Trung Hoa, theo thời gian đã lan truyền và ảnh hưởng đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Hồ sơ bảo vật diễn giải chim phượng cao quý vì tượng trưng cho lửa, mặt trời công lý và lòng trung thành. Phượng được coi là "vua" của các loài chim với nét duyên dáng, mềm mại thanh lịch.

Hình dáng, màu sắc và tiếng hót của chim phượng được quan niệm là báo hiệu điềm lành, đánh dấu một kỷ nguyên mới an vui, thịnh trị.

Xét trong thời nhà Lý với sự phổ biến và phát triển mạnh mẽ của Phật giáo, các chuyên gia khẳng định việc dùng lá đề đã phản ánh sự tồn tại và hòa quyện của Phật giáo và Nho giáo, giữa thần quyền và thế quyền trong nghệ thuật, điêu khắc thời nhà Lý, đóng góp một phần quan trọng trong nghiên cứu về lịch sử-mỹ thuật thời kỳ này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục