Bảo vật Quốc gia: Chiêm bái tượng Phật A Di Đà thời Lý

Tượng Phật A Di Đà thời Lý được lưu giữ tại chùa Ngô Xá (Nam Định) là 1 trong 2 pho tượng Phật cổ bằng đá còn nguyên vẹn của Việt Nam, pho tượng mang giá trị lịch sử và nghệ thuật đặc biệt quý hiếm.
Bảo vật Quốc gia: Chiêm bái tượng Phật A Di Đà thời Lý ảnh 1Chùa Ngô Xá lưu giữ nhiều bảo vật thời Lý. (Ảnh: Bảo tàng Nam Định)

Chùa Ngô Xá (Phi Lai tự) tọa lạc dưới chân núi Chương Sơn, một ngọn núi đã gắn liền với lịch sử và sự phát triển của ngôi chùa giữa nơi vùng quê yên ấm và thanh bình ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Cách đây hơn 900 năm, dưới thời vua Lý Nhân Tông, khi đó, trên đỉnh núi Chương Sơn là một Bảo tháp có tên gọi “Hồng Nghiêm Phúc Thánh” lừng lững giữa mây trời, một biểu tượng văn hóa của dân tộc ta thời bấy giờ.

Sử sách đã ghi chép lại đây là nơi vua ngự chơi và có nhiều điềm lành giáng thế. 

Nhưng rồi do biến cố của lịch sử, thăng trầm của thời đại và phong hóa của thời tiết, đến đầu thế kỷ thứ 15, Bảo tháp trở thành phế tích, chỉ còn lại một ngôi chùa nhỏ.

Năm 1667, hai chị em bà Lương Thị Ngọc Vinh và Lương Thị Ngọc Phú thời Chúa Trịnh, đã đóng góp tiền của xây dựng lại ngôi chùa này dưới chân núi. Đó chính là chùa Ngô Xá (tên chữ là Phi Lai tự) - nghĩa là ngôi chùa được xây dựng lại.

Hiện nay, trong chùa Ngô Xá vẫn lưu giữ được một số bảo vật thời Lý, đặc biệt là pho tượng A Di Đà bằng đá cao 2m.

Trong một lần khảo sát ở chùa Ngô Xá, (xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) các nhà khảo cổ vô tình gõ tay vào một bức tượng Phật A Di Đà và thấy phát ra âm thanh trầm đục như gõ vào đá.

Các nhà khảo cổ đã bóc hết lớp sơn son, thếp vàng trên thân tượng, để lộ ra một pho tượng bằng đá xám mịn, được điêu khắc rất tinh xảo, hình thức còn khá nguyên vẹn. 

Tượng Phật A Di Đà được người dân địa phương tìm thấy trên đỉnh núi Phương Nhi, nơi phế tích của ngôi chùa cổ trăm gian xưa, sau đó được người dân di chuyển xuống chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi ngay dưới chân núi để thờ cúng.

[Chùa Bút Tháp - Ngôi chùa độc đáo lưu giữ bốn Bảo vật Quốc gia]

Tượng còn nguyên vẹn, cao tổng thể 200cm. Được làm bằng đá nguyên khối, màu xám, thô ráp (đá cát), gồm hai phần: Tượng và bệ tượng.

Tượng Phật A Di Đà ngồi trong tư thế thiền định, hai chân xếp bằng, đầu gối khuỳnh rộng, thế ngồi hơi rướn mình ra phía trước.

Đầu tượng và thân tượng ghép với nhau bằng mộng (có thể tháo rời).

Bảo vật Quốc gia: Chiêm bái tượng Phật A Di Đà thời Lý ảnh 2Tượng Phật A Di Đà. (Nguồn: Bảo tàng Nam Định)

Tượng có khuôn mặt và dáng hình nam giới, tóc xoắn ốc, giữa đỉnh đầu có một khối u nổi (nhục khấu), tai giống người thực, to nhưng không chảy. Khuôn mặt hình trái xoan, mắt nhìn xuống, sống mũi thẳng, nhân trung lớn có hai vòng tròn ở hai bên, miệng mím nhẹ, cổ cao ba ngấn.

Đầu và thân tượng ghép với nhau bằng mộng (có thể tháo rời). Thân tượng thon, bụng mảnh dẹt, mặc pháp y với hai lớp áo mỏng bó xát người, xếp thành nhiều nếp.

Thân tượng liền khối với cổ bệ. Cổ bệ hình tròn dẹt, 2 mặt trên dưới phẳng, xung quanh chạm nổi 2 con sư tử trong tư thế nhìn nghiêng, miệng cùng ngậm chung một viên ngọc, đuôi chụm nâng hình lá đề. Toàn bộ tượng đá còn nguyên vẹn.

Bệ tượng cao 108cm, gồm 2 phần: Phần thứ nhất là đài sen dùng để đặt tượng. Đài sen hình tròn dẹt, mặt ngoài tạo 2 lớp cánh sen nổi ôm sát nhau. Lớp cánh trên to mập, cứ một cánh to xen một cánh nhỏ. Lớp dưới cánh dài nhỏ, bố trí so le với lớp trên.

Trên mặt các cánh sen chạm nổi hình một đôi rồng chầu, thân hình mềm mại, đầu hướng lên trên, với các chi tiết hoa văn dày đặc được chạm đục tinh tế.

Phần thứ 2 là chân bệ, mặt hình bát giác, khối hình chóp cụt, gồm 2 bộ phận ghép với nhau.

Nửa trên phần sát với cổ bệ chạm nổi một bông sen 2 lớp cánh lật úp, tiếp đến là các tầng bát giác giật tam cấp, cứ một mặt to xen một mặt nhỏ, mặt đứng chạm đôi rồng đuổi nhau, mặt nằm chạm hoa cúc dây hình sin; nửa dưới có đế bằng, thân tạo 2 tầng, chạm nổi hoa văn sóng nước.

Đây là một trong hai pho tượng Phật thời Lý bằng đá còn nguyên vẹn của Việt Nam tính đến nay, không chỉ có giá trị đặc biệt về nghệ thuật chạm khắc thời Lý mà còn là minh chứng đặc biệt để nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc, vị thế của Bảo tháp Chương Sơn trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam thời Lý.

Đồng thời cũng là cơ sở để nghiên cứu, đối chiếu, so sánh giữa nền mỹ thuật thời Lý với các giai đoạn trước và sau đó.

Với những giá trị đặc biệt quý hiếm, ngày 30/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2599/QĐ-TTg công nhận Bảo vật Quốc gia với tượng Phật chùa Ngô Xá.

Tượng Phật A Di Đà cùng với Thành bậc lan can và hàng nghìn hiện vật khác bằng đá tìm thấy năm 1966-1967 tại núi Chương Sơn, khu quần thể di tích Đình-Chùa Ngô Xá là minh chứng cho một vùng địa linh, còn lưu giữ bao giá trị lịch sử văn hóa. Qua đó góp phần bổ sung thêm tư liệu và phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo Bảo tháp Chương Sơn thời Lý sau này./ 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục