Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phong phú vùng biên giới

Trong dòng chảy của đời sống hiện đại, bản sắc văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc vùng biên ít nhiều bị mai một, vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên là vấn đề cấp thiết.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phong phú vùng biên giới ảnh 1Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai, huyện Mèo Vạc tái hiện những giá trị bản sắc văn hóa đặc sắc bà con dân tộc tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Ảnh: Minh Tiến/TTXVN)

Ngày 25/4, tại Làng văn hóa dân tộc Mông xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên.”

Tại buổi tọa đàm, tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia về văn hóa, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ủy ban Dân tộc, nghệ nhân, đoàn viên, thanh niên tỉnh Hà Giang được trình bày thể hiện nhiều góc nhìn về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng biên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Sau gần 20 năm triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có bước phát triển rõ rệt.

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú. Thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện, số hộ nghèo giảm nhanh.

Văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy. An ninh trật tự được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

Các lễ hội văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn, phát huy. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số được thực hiện thông qua hình thức tổ chức ngày hội, giao lưu văn hóa cấp vùng, miền, khu vực, từng dân tộc và lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể.

Các thư viện địa phương đã có bộ tài liệu phù hợp với đặc điểm dân cư, phong tục tập quán của các dân tộc trên địa bàn; tủ sách cho thư viện công cộng, tủ sách văn hóa dân tộc ở cơ sở được tăng cường các xuất bản phẩm song ngữ bằng tiếng dân tộc và tiếng phổ thông.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho biết: "Bản sắc văn hóa đóng vai trò sống còn liên quan đến sự tồn vong của mọi tộc người. Di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam là rất lớn. Nhiều năm qua, chúng ta đã tiến hành nhận diện di sản này và có những thành công nhất định. Tuy nhiên những thành tựu này mới chỉ là bước đầu. Văn hóa và giá trị truyền thống của các dân tộc cần được coi trọng là động lực phát triển kinh tế-xã hội ở các dân tộc, các vùng.”

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phong phú vùng biên giới ảnh 2Phụ nữ Pà Thẻn, Tuyên Quang giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

"Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Thực thể tinh thần, di sản vật chất và tinh thần cần được tôn trọng, phát huy đầy đủ không chỉ trên lĩnh vực văn hóa mà còn có ý nghĩa sâu rộng trong tất cả các ngành, lĩnh vực," Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lâm Bá Nam nhấn mạnh.

[Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo dân tộc thiểu số vùng biên]

Vùng biên giới ở nước ta có hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Nơi đây cũng là vùng biên cương, “phên dậu” của Tổ quốc với vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thành từng thôn, bản, có khi rải rác, đan xen nhưng vẫn tạo thành nhiều tộc người với bản sắc văn hóa riêng, còn lưu giữ được các giá trị văn hóa đặc sắc.

Tuy nhiên, trong dòng chảy của đời sống hiện đại, bản sắc văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào ít nhiều bị mai một, thậm chí còn có hiện tượng lãng quên trong một bộ phận lớp trẻ. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên là vấn đề cần được quan tâm.

Ông Đinh Xuân Thắng (Ủy ban Dân tộc) cho biết, để phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là tỉnh biên giới, vai trò của lực lượng thanh niên rất quan trọng. Do đó, cần quan tâm xây dựng đội ngũ đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt; đào tạo, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số trong việc tổ chức triển khai các hoạt động góp phần phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên” là hoạt động thiết thực góp phần thực hiện chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về văn hóa; phát huy vai trò xung kích sáng tạo của tuổi trẻ trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc, bảo tồn, phát huy văn hóa vùng biên.

Qua đó tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức tôn trọng, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tọa đàm tập trung vào 4 nội dung chính gồm công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc; các chính sách hiện nay của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên; nội dung về văn hóa với vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, an ninh vùng biên và vai trò của thanh niên trong bảo tồn, xây dựng, phát huy giá trị văn hóa bản địa.

Trong khuôn khổ chương trình tọa đàm, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa các dân tộc tại huyện Mèo Vạc như thăm, tặng quà tại Đồn Biên phòng Xín Cái; thăm, tặng quà và khảo sát việc thực hiện Đề án “Đưa văn hóa truyền thống vào trường học” tại Trường Tiểu học xã Cán Chu Phìn; khởi công xây dựng “Nhà vệ sinh trường học” tại Trường Tiểu học xã Cán Chu Phìn; khởi công xây dựng “Nhà hạnh phúc cho em” thôn Lũng Lừ A, xã Lũng Pù và trao hỗ trợ kinh phí đến năm 18 tuổi cho 2 thiếu nhi mồ côi; thăm mô hình thanh niên khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế giỏi và trao 200 triệu đồng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp huyện Mèo Vạc. Tổng kinh phí tổ chức các hoạt động là 468 triệu đồng.

Dịp này, các đại biểu đã thăm gia đình già làng, trưởng bản, người có uy tín tìm hiểu, chia sẻ về văn hóa địa phương và dùng cơm trưa trải nghiệm văn hóa ẩm thực với người dân tại thôn Pả Vi hạ, xã Pả Vi.

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Cuộc thi "Người đẹp miền Cao nguyên đá năm 2022" tỉnh Hà Giang, đêm chung kết diễn ra vào tối 25/4/2022 tại Trung tâm huyện Mèo Vạc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục