Bảo tồn và phát huy dân ca Ví dặm trong xã hội đương đại

Sự bùng nổ của CNTT và các phương tiện truyền thông hiện đại khiến các thể loại dân ca nói chung và dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh nói riêng đối mặt nhiều thách thức.
Bảo tồn và phát huy dân ca Ví dặm trong xã hội đương đại ảnh 1Biểu diễn hát dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)

Ngày 15/5, tại Nghệ An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban Nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại" (dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh).

Hội thảo quy tụ các nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, bày tỏ quan điểm về mặt lý thuyết, phương pháp tiếp cận và thảo luận về những biện pháp thiết thực nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị dân ca nói chung và dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh nói riêng trong xã hội đương đại.

Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu khẳng định trong các loại hình dân ca ở Việt Nam, dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh là một loại hình đặc biệt, chứa đựng những sáng tạo độc đáo của những cư dân Việt.

Là hai lối hát dân ca (không có nhạc đệm) được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo, Ví dặm được thực hành trong mọi thời khắc của cuộc sống như lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa, đánh bắt cá trên sông nước…, được trình diễn với những trạng thái, tình cảm khác nhau như khi vui, lúc buồn của một người và của nhiều người.

Trong các thể loại dân ca của người Việt, ít có loại hình dân ca nào gắn bó mật thiết với phương ngữ như dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh.

Cộng đồng dân cư Việt ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã coi các làn điệu dân ca Ví dặm như một phần cuộc sống và là bản sắc của vùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh.

Hiện nay tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn còn 260 làng có thực hành dân ca Ví dặm; 75 nhóm dân ca Ví dặm đang hoạt động với trên 1.500 thành viên.

Với những giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo, năm 2012, dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang được đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong xã hội đương đại, quá trình toàn cầu hóa, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới đang đặt dân ca của các dân tộc Việt Nam nói chung và dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh nói riêng trước những thách thức mới.

Nhiều nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa dân gian từng lo ngại, băn khoăn trước việc một số bà mẹ trẻ không còn biết hát ru con mà mở băng casset ru con. Không ít câu hỏi được đặt ra liệu dân ca có thể tồn tại trong xã hội đương đại, làm thế nào để bảo tồn và phát huy được giá trị của dân ca trong xã hội đương đại…

Từ thực tế trên, hội thảo đã tập trung nghiên cứu, thảo luận những nội dung quan trọng liên quan đến một số vấn đề lý thuyết, phương pháp tiếp cận dân ca, với tư cách là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể; nghiên cứu nghệ thuật và tính đa dạng của dân ca; sự biến đổi và sức sống của dân ca trong xã hội đương đại; bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca trong bối cảnh toàn cầu hóa, làm sao để dân ca Ví dặm thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của cuộc sống hiện đại, tiếp tục lan tỏa và trường tồn cùng với văn hóa dân tộc.

Các đại biểu mong muốn, sau hội thảo này, nhận thức về giá trị cũng như về ý nghĩa của việc phải bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói chung, dân ca và dân ca Ví dặm nói riêng của các cấp chính quyền và cộng đồng địa phương được nâng lên; di sản này được quảng bá rộng rãi đến cộng đồng quốc tế; đúc kết được những phương pháp tiếp cận phù hợp và những biện pháp thiết thực để triển khai, bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh, xứng với những giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo của loại hình dân ca này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục