Bảo tồn và nhân giống thành công sen trắng trong Đại Nội Huế

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã bảo tồn và nhân giống thành công giống sen trắng để trồng ở các hồ trong khu vực Đại Nội Huế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Sau một thời gian vắng bóng, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã bảo tồn và nhân giống thành công giống sen trắng để trồng ở các hồ trong khu vực Đại Nội Huế. Tháng Bảy về, mùi hương của hoa sen trắng từ các hồ trong Đại Nội Huế lan tỏa, như mời gọi và níu chân du khách.

Theo sử sách, dưới thời vua Nguyễn, ao hồ ở các khu di tích thường chỉ trồng sen trắng - giống sen có bông thơm, hạt ngon. Đặc biệt, với ý nghĩa thanh cao, tinh khiết, sen trắng được chọn trồng ở hồ Thái Dịch với dụng ý nâng đỡ những bước chân thiên tử khi đi qua cầu Trung Đạo - lối đi ngày xưa chỉ dành riêng cho nhà vua.

Liên quan đến loài hoa này, trước đây khi pha trà cho Vua, người ta thường ướp một ít trà trong búp sen sắp nở. Qua một đêm ngâm ướp dưới hồ, hương sen quyện vào trà. Nước pha trà là những giọt sương trên lá sen non được chắt lọc, nấu lên rồi pha với trà đã ướp hương sen để dâng vua. Tuy nhiên, do tác động chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt và môi trường nước ô nhiễm nên giống sen trắng đã giảm nhiều về số lượng lẫn chủng loại. Trong các hồ ở khu di tích, sự xuất hiện của loài sen trắng rất hạn hữu.

Để bảo tồn và nhân giống sen trắng, góp phần trả lại vẻ đẹp vốn có đối với các hồ ở khu vực Đại Nội Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã bảo tồn giống sen trắng tại vườn sưu tập, nhân giống bảo tồn các giống cây di tích ở khu vực trường Quốc Tử Giám xưa.

Từ nguồn giống sen này, kết hợp với xử lý đáy hồ và môi trường nước ở các hồ di tích, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã ươm trồng lại giống sen trắng với tỉ lệ sống lên tới 60-70%.

Tuy nhiên, để có thành công này, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã sưu tầm các giống sen trắng quý hiếm từ trong dân, bắt đầu trồng thí điểm ở hồ Thái Dịch năm 2008. Quá trình triển khai, có lúc thất bại (năm 2010, 2012) nhưng từ năm 2015 đến nay, do xử lý được môi trường nước nên việc trồng sen trắng đã thành công.

Ngoài hồ Thái Dịch, sen trắng cũng được trồng ở các hồ trong khu vực Đại Nội. Riêng hệ thống hồ ngoại Kim Thủy (bao quanh Đại Nội) mặt trước trồng sen trắng, hai mặt phía đông và tây là khu vực vòng ngoài ít chịu ảnh hưởng thiết chế cung đình nên được trồng sen trắng lẫn sen hồng, sen đỏ, tạo cảnh quan nhiều màu sắc, sinh động.

Thống kê sơ bộ, hiện có gần 20/100ha diện tích mặt nước khu vực Đại Nội Huế được trồng sen. Ở Huế, sen thường được trồng từ khoảng tháng 2 đến tháng 7 âm lịch thì cho thu hoạch.

Theo người dân trồng sen lâu năm, ngoài tạo cảnh quan môi trường, nếu cây sen phát triển tốt thì cho thu nhập bình quân hàng năm khoảng từ 25-35 triệu đồng/ha. Mỗi kg hạt sen tươi bán ra thị trường có giá 150.000 đồng.

Ngoài ra, cây sen còn được tận dụng tất cả các bộ phận để tăng thêm thu nhập như: Bán lá sen cho các tiệm thuốc, cơ sở y tế làm thuốc, nhà hàng, khách sạn dùng để gói, nấu cơm sen với giá 25.000 đồng/kg; củ sen, ngó sen bình quân 1kg được thu mua với giá 70.000 đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục