Nhân Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ 21/2, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc Tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã kêu gọi các nước cần nỗ lực hơn nữa để bảo tồn và củng cố ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ bản địa, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, đa dạng và phổ quát.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, chủ đề của Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ năm nay là "Sự đa dạng ngôn ngữ và đa ngữ chế có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững."
Nhân ngày này, bà Azoulay nhấn mạnh ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp, mà còn là nhân tố rất đặc trưng, là những giá trị, niềm tin và bản sắc gắn liền với con người.
Trong phát biểu của mình, bà Azoulay cũng đưa ra cảnh báo về việc cứ hai tuần lại có một ngôn ngữ của thế giới bị biến mất, cùng với đó là lịch sử và di sản văn hóa của con người. Qua đó nhấn mạnh thúc đẩy đa ngữ cũng góp phần chấm dứt tình trạng các ngôn ngữ mất đi.
Tổng Giám đốc UNESCO tái khẳng định cam kết lâu nay của UNESCO đối với việc bảo tồn và truyền sức sống cho ngôn ngữ, bảo vệ sự đa dạng ngôn ngữ và thúc đẩy giáo dục đa ngôn ngữ.
UNESCO ủng hộ những chính sách thúc đẩy ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ bản địa, đặc biệt là tại các quốc gia đa ngôn ngữ, đồng thời kiến nghị sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong những năm đi học đầu tiên, vì trẻ em có khả năng tiếp thu tốt nhất bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc này cũng khuyến khích sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ ở nơi công cộng và nhất là trên Internet, nơi mà đa ngữ nên trở thành quy định bắt buộc.
Theo Liên hợp quốc, có ít nhất 43% trong khoảng 6.000 ngôn ngữ được sử dụng trên thế giới đang bị đe dọa. Chỉ có vài trăm ngôn ngữ thực sự có chỗ đứng trong các hệ thống giáo dục và lĩnh vực công cộng, và có chưa tới 100 ngôn ngữ được sử dụng trong thế giới số.
Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ đã được UNESCO công nhận và công bố tại phiên họp toàn thể tháng 11/1999.
Ngày 16/5/2007, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số A/RES/61/266 kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên “thúc đẩy việc bảo tồn và gìn giữ tất cả các ngôn ngữ được sử dụng bởi các dân tộc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”./.