Bảo tồn tiếng dân tộc Ơ Đu trước nguy cơ thất truyền

Nghệ An đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn tiếng nói dân tộc Ơ Đu trước nguy cơ dân tộc này bị mất dân tiếng "mẹ đẻ”.
Nghệ An đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn tiếng nói dân tộc Ơ Đu trước nguy cơ dân tộc này bị mất tiếng "mẹ đẻ”.

Người Ơ Đu hiện còn 133 hộ, 612 khẩu, chiếm tỷ lệ 0,82% dân số trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An), trong đó chủ yếu sống tập trung tại bản Văng Môn, xã Nga My.

Từ xưa tới nay, người Ơ Đu sống theo từng gia đình nhỏ, đời sống của họ dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải, làm mộc và buôn bán nhỏ. Dân tộc Ơ Đu có chữ viết và tiếng nói riêng, tiếng nói theo ngữ hệ Môn-Khmer, có pha trộn nhiều yếu tố Việt-Mường.

Hiện tại chữ viết đã thất truyền không còn ai biết nữa, chỉ còn 6 cụ già người Ơ Đu biết nói và am hiểu tiếng "mẹ đẻ" của mình, những người Ơ Đu còn lại đều sử dụng tiếng Thái, Khơmú và tiếng phổ thông làm ngôn ngữ giao tiếp.

Theo đánh giá, đây là dân tộc có số lượng người ít, trình độ dân trí thấp, đời sống lại khó khăn nên không có điều kiện để tự bảo vệ và phát huy di sản của dân tộc mình.

Trước nguy cơ bị mất tiếng "mẹ đẻ", từ năm 2008, tỉnh Nghệ An phối hợp với Phòng Văn hóa huyện Tương Dương tổ chức dạy tiếng cho người Ơ Đu bằng phương pháp truyền khẩu.

Huyện Tương Dương đã tổ chức mời 6 cụ cao niên biết nói tiếng Ơ Đu xây dựng, biên soạn giáo trình tiếng Ơ Đu dạy về cách gọi tên từng người, từng đồ vật, lễ hội, phong tục, bài hát…

Bằng cách làm đó, đến nay huyện đã tổ chức được 6 lớp học với gần 500 học viên từ già đến trẻ. Huyện cũng khuyến khích các gia đình khi giao tiếp với nhau hàng ngày nên nói bằng tiếng Ơ Đu, đó cũng là một phương pháp rèn luyện kỹ năng nói và nhớ từ lâu hơn.

Song song với bảo tồn tiếng nói thì Nghệ An cũng đang nghiên cứu để bảo tồn phong tục tập quán, không gian văn hóa, các lễ hội nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa của tộc người Ơ Đu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục