Qua hai năm nghiên cứu, tiến sỹ Dương Thúy Yên, trường Đại học Cần Thơ, đã bảo vệ thành công đề tài “Bảo tồn nguồn gen cá rô đồng đầu vuông ở tỉnh Hậu Giang” với kết quả đạt loại khá.
Đề tài này giúp người nuôi cá khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mở ra hướng phát triển sản xuất mới, đưa giá trị kinh tế loại cá đặc sản này vào danh sách là một trong những cây-con có thế mạnh trong kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh.
Theo Hội đồng Khoa học, mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá tình hình sản xuất giống, nuôi cá rô đồng đầu vuông và xây dựng phương án bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cá rô đồng đầu vuông trong điều kiện nuôi và ngoài tự nhiên. Qua đó, đánh giá hiện trạng nuôi, sản xuất giống cá rô đồng đầu vuông trong tỉnh đáp ứng được nhu cầu cho địa phương cũng như trong vùng.
Qua nghiên cứu thực tế cho thấy quy mô sản xuất nhỏ và khâu quản lý, tuyển chọn cá bố mẹ chưa hợp lý nên phần nào ảnh hưởng xấu đến chất lượng di truyền lâu dài.
Chủ nhiệm đề tài còn tìm được cá rô đồng đầu vuông có thể lai tạo với cá rô thường nên không thể bảo tồn được nguồn gen trong điều kiện tự nhiên. Vì vậy, trước tình hình giá cá rô đồng đầu vuông đang xuống thấp, người nuôi chán nản, chủ nhiệm đề nghị các cơ sở nuôi, Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục duy trì số lượng đàn cá. Bên cạnh đó, để giữ được nguồn gen tốt, cần phải lai tạo cá giống trong điều kiện nuôi.
Cách đây bốn năm, cá rô đầu vuông được cho lai tạo thành công ở Hậu Giang. Đây là loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, to con, mau lớn, thịt thơm ngon, quy mô sản xuất lên đến 400ha.
Tuy nhiên, việc nuôi cá này chỉ trụ vững trong thời gian ngắn do đầu ra không ổn định, giá giảm mạnh nên diện tích nuôi ngày càng thu hẹp.
Trước thực trạng trên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tiến hành nghiên cứu đề tài “Bảo tồn nguồn gen cá rô đồng đầu vuông ở tỉnh Hậu Giang” nhằm duy trì nguồn gen, mở rộng diện tích quy mô sản xuất, nâng dần giá trị kinh tế của loài thủy sản đặc trưng có một không hai ở vùng đất này, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Điều đáng phấn khởi hơn, sau khi đề tài được công bố thành công, được người nuôi cá trong vùng đón nhận tích cực, đặc biệt là thị trường giá cá rô đầu vuông tăng lên sau thời gian dài rớt giá thê thảm.
Hiện giá cá rô đầu vuông được thương lái thu mua với giá từ 27.000-29.000 đồng/kg (loại 7-10 con/kg). Với mức giá này, người nuôi cá rô đầu vuông thâm canh có thu nhập khoảng 60-70 triệu đồng/công (1.000m2). Theo nhiều thương lái, giá cá tăng do diện tích thả nuôi bị thu hẹp, nguồn cung hạn chế.
Ông Đinh Minh Trường, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang, cho biết việc nghiên cứu thành công đề tài Bảo tồn nguồn gen cá rô đồng đầu vuông ở tỉnh Hậu Giang sẽ giúp khôi phục lại diện tích nuôi của tỉnh.
Hiện nay diện tích thả nuôi cá rô đầu vuông giảm đáng kể, nếu như năm 2010 diện tích cao nhất là 400ha, thì đến nay chỉ còn vài chục hécta.
Để giúp người dân bám trụ với con cá rô đầu vuông, ngoài việc phối hợp với nhà khoa học nghiên cứu bảo tồn nguồn gen, địa phương cũng tìm hiểu thị trường, mở rộng đầu ra và liên hệ với ngân hàng hỗ trợ trong việc vay vốn cho người dân phát triển sản xuất./.