Tỉnh Ninh Bình được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú với hệ sinh thái đa dạng. Ngoài ra, Ninh Bình còn sở hữu diện tích rừng lớn nhất so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng (hơn 29.000 ha).
Trong đó, có Vườn quốc gia Cúc Phương; khu rừng Văn hóa-lịch sử môi trường Hoa Lư và rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn với nhiều loài động, thực vật có tên trong sách đỏ thế giới.
Xác định vai trò quan trọng của việc giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã và đang nỗ lực tìm hướng bảo vệ nguồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững.
Bài 1: Vì một "Ninh Bình xanh"
Ninh Bình là tỉnh có hệ sinh thái đa dạng, phong phú phân thành 5 hệ đặc trưng mang tính tiêu biểu về quần thể loài và quyết định tính đa dạng sinh học, tập trung tại các khu vực đã được bảo tồn, bảo vệ như vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và khu rừng Văn hóa-lịch sử môi trường Hoa Lư.
Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy bền vững giá trị mà các hệ sinh thái tiêu biểu mang lại.
"Kho báu" về đa dạng sinh học
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là một vùng đất ngập nước nội địa nguyên vẹn còn sót lại ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, bao gồm các dòng sông, hồ nước nông và thảm thực vật ngập nước phong phú, mang các đặc tính sinh thái đặc thù, tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo.
Ngoài bảo tồn được tính nguyên vẹn, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long còn có giá trị cao về đa dạng sinh học gồm 2 hệ sinh thái là hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái trên núi đá vôi.
Về thực vật có 722 loài thuộc 277 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có một số loài nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam như Cốt toái bổ, Bát giác liên, Đơn gai...
Về động vật, tại đây đã ghi nhận được 39 loài thú thuộc 19 họ, 8 bộ; 100 loài chim thuộc 39 họ, 13 bộ; 38 loài bò sát ếch nhái thuộc 17 họ, 3 bộ; 43 loài cá thuộc 16 họ, 5 bộ; 132 loài côn trùng thuộc 47 họ, 10 bộ; 48 loài động vật thân mềm trên cạn thuộc 20 họ, 3 bộ; 60 loài động vật loài giáp xác thân mềm ở dưới nước thuộc 20 họ.
[Du lịch Ninh Bình dự kiến khởi động trở lại vào trung tuần tháng 11]
Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long còn là nơi loài Voọc mông trắng tập trung đông nhất tại Việt Nam và có thể dễ dàng quan sát ngoài tự nhiên. Đây là nơi sở hữu 2 kỷ lục Việt Nam là "Khu bảo tồn có đàn Voọc lớn nhất Việt Nam" và "Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - bức tranh núi mèo cào."
Ông Bùi Công Chính, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Hoa Lư - Gia Viễn cho biết, việc quản lý rừng bền vững hết sức quan trọng nhằm xác định các biện pháp cơ bản trong quản lý tài nguyên rừng bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng, thu hút nguồn lực, đầu tư phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giải trí, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân trong vùng.
Những năm qua, để bảo tồn sự đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn tài nguyên rừng, đơn vị đã thành lập các tổ, đội tuần tra bảo vệ rừng, tổ đội phòng, chống cháy rừng; xây dựng các tuyến đường tuần tra, đặc biệt những phân khu, vị trí trọng điểm có các loài động, thực vật quý hiếm, nhằm ngăn chặn việc khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến lâm sản trái phép.
Đơn vị tổ chức cho cán bộ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn về công tác thực thi pháp luật, nâng cao kiến thức về môi trường, quản lý đất và sử dụng các nguồn tài nguyên bền vững; phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện bổ sung dự án đa dạng sinh học khu bảo tồn, thống nhất quản lý toàn bộ diện tích rừng, đất lâm nghiệp và diện tích đất ngập nước; xây dựng phương án quản lý bền vững rừng đặc dụng, chương trình quản lý khai thác du lịch tại khu bảo tồn đảm bảo tính nguyên vẹn.
Quần thể danh thắng Tràng An nằm trong diện tích rừng đặc dụng Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, là nơi có sự đa dạng sinh học cao với 2 dạng hệ sinh thái chính là hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái thủy vực. Đa dạng sinh học ở Tràng An thể hiện ở sự đa dạng về thành phần loài, đa dạng về nguồn gene, đặc biệt trong đó có nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm.
Về thực vật, đến nay, đã thống kê được tổng cộng 134 họ với 384 chi và 577 loài khác nhau. Trong số các loài thống kê được thì có tới 10 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ và 7 loài lần đầu tiên ghi nhận cho hệ thực vật Việt Nam.
Các loài động vật ở Tràng An cũng vô cùng phong phú như động vật thủy sinh trong vùng ngập nước bao gồm 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy, đặc biệt ở Tràng An có loài rùa cổ sọc được coi là động vật quý hiếm cần được bảo vệ.
Đặc biệt, mới đây, sau hơn 1 năm được Vườn quốc gia Cúc Phương, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt chuyển giao, tái thả về khu đảo Ngọc thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, gia đình voọc mông trắng đã sinh sản cá thể đầu tiên.
Thời gian tới, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An hướng tới việc nhân giống một số loài đặc hữu, quý hiếm để nuôi, trồng bổ sung, hạn chế nguy cơ tuyệt chủng cũng như lựa chọn một số địa điểm thích hợp, xây dựng hệ sinh thái nhân tạo và đưa một số loài động thực vật này vào nuôi trồng, bảo vệ, góp phần gìn giữ sự đa dạng sinh học nơi đây.
Năm 2004, UNESCO đã công nhận 7 xã ven biển thuộc địa giới hành chính huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, thuộc vùng đệm và vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.
Những nơi này hiện đang lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học phong phú với các loài quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế và nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Nhiều giải pháp vì "Ninh Bình xanh"
Xác định vai trò quan trọng của đa dạng sinh học, những năm qua, Ninh Bình đã và đang nỗ lực tìm hướng bảo vệ nguồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững.
Cùng với công tác quy hoạch, tỉnh Ninh Bình đã kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa chính sách, pháp luật về đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường như Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030"; Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 14/4/2009 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc "Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã trên địa bàn tỉnh"; Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 28/6/2010 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc ban hành quy chế phối hợp quản lý và bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định số 768/QĐ-UBND ngày 8/10/2012 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về phê duyệt chương trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản Ninh Bình đến năm 2020...
Đồng thời, tỉnh đã triển khai các biện pháp sử dụng bền vững và thực hiện các cơ chế chia sẻ lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học; khuyến khích phát triển vùng đệm các khu bảo tồn bằng việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, hạn chế việc lấy gỗ củi, săn bắn động vật hoang dã của người dân sống trong và ven rừng; gắn phát triển du lịch với bảo tồn đa dạng sinh học, vừa tạo công ăn việc làm, vừa là một kênh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Các sở, ban, ngành và các đơn vị có chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an và Kiểm lâm đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ các loài động vật nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình, cho biết đơn vị thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn; tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật những vi phạm về lấn chiếm đất rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, vi phạm về vận chuyển động vật hoang dã trái phép.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra, phát hiện và xử lý gần 20 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, thu nộp ngân sách nhà sách trên 130 triệu đồng.
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tỉnh Ninh Bình tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, tuần tra bảo vệ rừng tại gốc, nhất là các khu vực rừng đặc dụng, khu vực rừng phòng hộ; phối hợp tốt quy chế giữa các lực lượng và các địa bàn giáp ranh trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm; tuyên truyền vận động nhân dân tích cực trồng rừng, làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật rừng; bảo vệ tính đa dạng sinh học./.