Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số

Công tác bảo tồn phát huy bản sắc dân tộc đã gắn với phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, biến nhiều di sản văn hóa đặc sắc trong cộng đồng thành các giá trị tài sản, đảm bảo đời sống cho đồng bào.
Vẻ đẹp của phụ nữ Thái nổi bật khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

“Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số” là chủ đề Hội thảo khoa học diễn ra ngày 31/5 tại Hà Nội do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức.

Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa 9) về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa 7) về một số công tác ở vùng dân tộc Mông, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Đối với văn hóa, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được thể chế hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, giao cho các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

[Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Pa Cô-Vân Kiều]

Ngành văn hóa luôn coi công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng. Trải qua thời gian đầu triển khai còn bỡ ngỡ đến nay, ngành Văn hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều nhiệm vụ đã từng bước đi vào chuyên sâu.

Công tác bảo tồn phát huy bản sắc dân tộc đã gắn với phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, biến nhiều di sản văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc thành các giá trị tài sản, đảm bảo đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng dù đạt được một số kết quả quan trọng nhưng còn nhiều vấn đề đặt ra cần được giải quyết. Đó là việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội có nơi làm tốt nhưng cũng có nơi lạm dụng, khai thác lệch lạc.

Nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng, lớp trẻ ngày nay không còn ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình…

Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn các đại biểu trên cơ sở đánh giá, xác định thực trạng của công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nêu rõ các định hướng, giải pháp cụ thể để có chỉ đạo sát với tình hình mới.

Tại hội thảo, tiến sỹ Trần Hữu Sơn (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) đã nêu nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên cơ sở nghiên cứu ở vùng Tây Bắc.

Theo ông Trần Hữu Sơn, đầu tiên cần phải tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng các dân tộc, không lặp lại những sai lầm của cải cách dân chủ và quan niệm coi tôn giáo tín ngưỡng là mê tín dị đoan, cấm học chữ cổ, cấm lễ cấp sắc... Những hành động bài trừ này đã làm đứt đoạn văn hóa.

Tiếp đó là bảo tồn và phát huy chữ viết truyền thống, xây dựng một số bộ chữ viết phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa của các dân tộc thiểu số, căn cứ vào nguyện vọng và nhu cầu của đồng bào.

Ông Trần Hữu Sơn nhấn mạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phải gắn liền với phát triển du lịch. Trong đó cần bảo vệ, tôn trọng ý kiến, đề cao vai trò của cộng đồng.

Không nhất thiết người dân phải bỏ kinh tế truyền thống chạy theo du lịch mà có thể tiến hành song song 2 hoạt động; làm du lịch theo hướng trải nghiệm; phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng tính đặc thù của mỗi tộc người để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Ông Trần Hữu Sơn khuyến cáo các bài học kinh nghiệm này không chỉ có ý nghĩa riêng với vùng Tây Bắc mà các cơ quan chức năng cần xem xét, vận dụng hợp lý ở những vùng khác, có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Trình diễn dệt thổ cẩm của dân tộc Vân Kiều, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Giáo sư, tiến sỹ Bùi Quang Thanh của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử-văn hóa của các dân tộc thiểu số nước ta đặt ra những nhiệm vụ vừa có tính bức xúc, vừa có tính lâu dài đồng thời phải có những giải pháp hữu hiệu.

Ông Bùi Quang Thanh đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó có việc tôn trọng lịch sử, tiếng nói, chữ viết và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của từng cộng đồng dân tộc.

Trên tinh thần coi văn hóa của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, cần có kế hoạch tổ chức khẩn trương, dứt điểm trong việc đầu tư kinh phí, nhân lực có chuyên môn để khảo sát, thống kê, phân loại, nghiên cứu đồng bộ lịch sử, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em.

Tiếp đó, các địa phương cần làm tốt việc dạy song ngữ ở các trường dân tộc thiểu số (tiếng Việt và tiếng dân tộc bản địa), tập trung vào các dân tộc có số lượng dân cư đông đảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục