Cùng với việc vận động nhân dân phát triển kinh tế, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Lự bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Độc đáo nghề dệt thổ cẩm
Tam Đường là huyện miền núi của tỉnh Lai Châu với gần 85% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào dân tộc Lự chiếm 5,4%.
Người Lự ở Tam Đường có nhiều phong tục tập quán độc đáo, trong đó nghề dệt thổ cẩm là một trong những nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn du khách khi đặt chân đến mảnh đất này.
Toàn xã Bản Hon, huyện Tam Đường có 584 hộ, trong đó người Lự chiếm 91% với 535 hộ.
[Bảo tồn văn hóa truyền thống trong những phiên chợ vùng cao]
Chị Lò Thị Đi, cán bộ văn hóa-xã hội xã Bản Hon, cho biết từ bao đời nay, người Lự xã Bản Hon gắn liền với sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Những lúc nông nhàn, phụ nữ người Lự thường thêu thùa, may áo, váy. Người Lự rất coi trọng nghề dệt và lấy đó làm thước đo tiêu chuẩn đánh giá sự khéo léo của người phụ nữ. Do đó, người dân ở đây tự dệt vải và mặc bộ trang phục truyền thống hàng ngày.
Những âm thanh kĩu kịt của chiếc khung cửi khiến một vùng quê thanh bình trở nên nhộn nhịp, trở thành âm thanh đặc trưng riêng có ở nơi đây.
Theo già làng người Lự, nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Lự; được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang đậm nét văn hóa riêng.
Các sản phẩm thổ cẩm hay những bộ trang phục độc đáo trải qua nhiều công đoạn; đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ Lự như trồng bông; bật bông; xe sợi; dệt vải; nhuộm chàm; cắt vải; thêu hoa văn...
Hằng năm, vào tháng 3, đồng bào dân tộc Lự bắt đầu trồng bông. Đến khoảng tháng 9, tháng 10, cây bông được thu hoạch. Sau khi thu hoạch người dân tuốt bông, sau đó nhặt từng hạt bông rồi bật bông. Khi bật bông xong, bà con mang đi xe sợi, sau đó mắc vào khung cửi để dệt vải.
Sau công đoạn dệt vải, người phụ nữ Lự sẽ lấy tấm vải vừa dệt xong nhuộm chàm thành màu xanh than, đen hoặc nâu; sau đó mang phơi khô, cắt vải rồi thêu hoa văn.
Họa tiết hoa văn trên nền trang phục Lự được trang trí nhiều hình thù khác nhau, kết hợp cùng màu sắc sặc sỡ, tạo nên bộ trang phục độc đáo. Công đoạn cuối cùng, người may sẽ ghép từng mảnh vải với nhau, khâu tay để tạo thành áo, váy.
Đặc biệt, trang phục nữ của người Lự được thiết kế tỉ mỉ, công phu hơn. Áo có khuy cài vắt sang sườn phải, đính cúc bạc hoặc nhôm, hình sóng được thêu ở hai ống tay áo giáp với vai và cổ tay.
Đường viền cổ áo được thêu hoa văn quả trám, chân chim. Vòng quanh eo áo từ phía trước ra phía sau được thêu một dải hoa văn mà đồng bào Lự gọi là “con suối uốn lượn.”
Váy được thêu thành hai phần, nhìn giống như hai tầng ghép lại. Đối với khăn đội đầu, người thợ may cuốn nghiêng về phía trái, để lộ mặt trước với đường gấp viền thêu hoa văn màu trắng, kẻ sọc.
Trang phục nam của người Lự đơn giản hơn, áo xẻ ngực, cài cúc tết dây vải, có hai túi ở hai vạt và chỉ ngắn ngang thắt lưng. Quần có màu đen, gần giống như quần của người Thái, người Lào nhưng từ phần đầu gối trở xuống bó hơn và thêu nhiều hoa văn.
Bà Lò Thị Khăn, ở bản Nà Khum, xã Bản Hon, chia sẻ một bộ trang phục đầy đủ của người Lự bao gồm váy, áo, dây lưng, khăn cuốn đầu hoa tai, áo, vòng cổ.
Để hoàn thiện một bộ trang phục hoàn chỉnh mất rất nhiều thời gian, nếu thực hiện chăm chỉ khoảng 3-4 tháng mới hoàn thành một bộ, còn không làm thường xuyên mất 6-7 tháng mới xong.
Nghề dệt thổ cẩm hiện không chỉ góp phần vào việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Lự mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Trung bình, mỗi bộ quần áo bán với giá tầm 5-6 triệu đồng. Mỗi năm, bà Khăn bán được 2 bộ quần áo, tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Bảo tồn giá trị văn hóa
Đồng bào dân tộc Lự là một trong 16 dân tộc rất ít người ở Việt Nam với số dân dưới 10.000 người.
Nhằm lưu giữ giá trị văn hóa của người dân tộc Lự, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống, những năm qua, xã Bản Hon đã thường xuyên tuyên truyền bà con người Lự tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt gìn giữ nghề thêu dệt thổ cẩm.
Mặt khác, xã cũng vận động, khuyến khích các bà, các mẹ dạy cách dệt, thêu cho con cháu ngay từ nhỏ; khuyến khích người dân duy trì khung dệt và phối hợp với các trường học tuyên truyền cho học sinh, mỗi người phải có một bộ trang phục của dân tộc để mặc vào các hoạt động ngoại khóa...
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bản Hon, huyện Tam Đường, cho biết thời gian qua, xã đã phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tam Đường, Phòng Văn hóa thông tin huyện cử 20 phụ nữ trong xã đi học nghề dệt.
Đến nay, 20 người này đã học xong và nhận sản phẩm về làm tạo thu nhập tháng 3-4 triệu đồng/người.
Năm 2020, xã Bản Hon tiếp tục cử 8 người đi học bài bản về nghề thêu, dệt, việc làm này vừa lưu giữ nghề dệt truyền thống, vừa tạo việc làm, thu nhập cho phụ nữ Lự.
Ông Đỗ Trọng Thi, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Tam Đường, cho hay hiện nay, nhiều mặt hàng của Trung Quốc tràn vào huyện Tam Đường với nhiều với mẫu mã phong phú và giá thành rẻ, nguy cơ làm mai một nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Để bảo tồn nghề dệt, phòng đã phối hợp các đơn vị liên quan làm việc với các doanh nghiệp, công ty để tuyển các chị em người Lự tham gia lớp học nghề dệt và thêu.
Trong thời gian học, người học sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn ở, một phần chi phí đi lại, được các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm. Để chị em có nguồn vốn đầu tư nghề dệt, huyện cũng hỗ trợ một phần kinh phí; đồng thời làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho chị em yên tâm phát triển nghề thêu, dệt.
Thời gian tới, Phòng Văn hóa thông tin tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện Tam Đường và phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện liên kết với các công ty thêu dệt thổ cẩm; tiếp tục xây dựng kế hoạch, rà soát chị em không có công ăn việc làm để đưa đi học nghề thêu, dệt.
Cùng đó, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình tạo điều kiện cho chị em đi học nghề dệt bài bản; hỗ trợ nguồn vốn cho các gia đình.
Phòng Văn hóa thông tin tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện Tam Đường thành lập hợp tác xã thêu dệt thổ cẩm, thu hút phụ nữ Lự tham gia; trở thành đầu mối thu gom sản phẩm bán ra thị trường; góp phần tạo thu nhập, cải thiện cuộc sống cho đồng bào dân tộc Lự trên địa bàn./.