Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, di sản Mo Mường hiện có tại các tỉnh, thành phố như: Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Hà Nội.
Tại Hà Nội, tập quán được thực hiện tại nhiều xã có người Mường sinh sống thuộc các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, với các tên gọi khác nhau, như: bài cúng ma-cúng giỗ của dân tộc Mường tại các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài, huyện Ba Vì; tập quán ma chay của người Mường ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai; nghi lễ tang ma của người Mường ở thôn Luồng, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất…
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định ghi danh tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường của các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, thuộc thành phố Hà Nội vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Di sản quý của đồng bào dân tộc Mường
Mo là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của người Mường. Đó là loại hình nghi lễ gắn liền với các nghi thức tín ngưỡng do thầy mo thực hiện, điển hình nhất là lễ tang ma của người Mường.
Nội dung Mo Mường là áng sử thi lớn phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ xưa.
Trong các bài văn vần, thơ mo chứa nhiều câu chuyện cổ, truyền thuyết dân gian, thần thoại, sử thi. Các câu chuyện đó phản ánh lịch sử, giải thích sự vật, hiện tượng trong cuộc sống thời xa xưa.
Mo Mường gồm 3 phần chính cấu thành, gồm: lời mo, diễn xướng, môi trường diễn xướng và con người thực hành diễn xướng mo, trong đó lời mo gắn liền với người diễn xướng chiếm vị trí quan trọng nhất.
[Thêm luận cứ khoa học làm sáng tỏ về vai trò, giá trị của Mo Mường]
Tại Hà Nội, đồng bào dân tộc Mường sống ở cả 30 quận, huyện, thị xã nhưng tập trung đông nhất tại huyện Thạch Thất và Ba Vì.
Theo kết quả Đề án "Tổng kiểm kê, bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể trên địa bàn Hà Nội" công bố năm 2016, di sản Mo Mường được kiểm kê với các tên gọi khác nhau tại các địa phương như: Bài cúng ma-cúng giỗ của dân tộc Mường tại các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài, huyện Ba Vì; tập quán ma chay của người Mường ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai; nghi lễ tang ma của người Mường ở thôn Luồng, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất.
Hiện trên địa bàn chỉ còn có 7 thầy Mo còn đang thực hành thường xuyên. Người cao tuổi nhất là ông Đinh Công Sinh, xã Ba Trại, huyện Ba Vì, 86 tuổi. Người trẻ tuổi nhất là anh Đinh Xuân Nam, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, 28 tuổi.
Triển khai biện pháp bảo tồn Mo Mường
Thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp bảo tồn Mo Mường. Thành phố chủ động phối hợp các ban, ngành Trung ương, các cơ quan liên quan và địa phương có di sản Mo Mường xây dựng bộ hồ sơ quốc gia đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể bảo vệ khẩn cấp.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Mo Mường là một di sản văn hóa phi vật thể bao hàm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, nghệ thuật, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của dân tộc Mường. Các sinh hoạt của Mo Mường liên quan đến cả vòng đời một con người.
Ông Hoàng Đạo Cương cho rằng cần đẩy mạnh các công tác trọng tâm như quảng bá những giá trị đặc sắc của di sản Mo Mường ra thế giới thông qua các học giả, những nhà nghiên cứu âm nhạc quốc tế, mở rộng thông tin về các hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng với di sản Mo Mường hiện có trên thế giới; làm sáng tỏ những nội dung cơ bản về Di sản văn hóa Mo Mường.
Cụ thể, cần làm rõ Mo Mường trong mối quan hệ so sánh với những hình thức thực hành nghi lễ tín ngưỡng tương tự trên thế giới, đặc biệt quan tâm tới những hình thức nghi lễ tín ngưỡng có yếu tố diễn xướng kể chuyện; giá trị lịch sử, xã hội, văn học và nghệ thuật trong các câu chuyện ở phần Mo kể chuyện (Mo tlêu hay còn gọi là Mo Đẻ đất đẻ nước), có thể so sánh với phần diễn xướng kể chuyện trong một số loại hình nghi lễ tín ngưỡng tương tự ở Việt Nam và trên thế giới; tính nhân văn và những quan niệm về vũ trụ quan, nhân sinh quan được thể hiện qua văn bản Mo Mường; hiện trạng của di sản Mo Mường và một số loại hình thực hành nghi lễ tín ngưỡng tương tự trên thế giới...
Trước đó, chuyên gia Viện Âm nhạc đã hướng dẫn, phổ biến về công tác kiểm kê theo quan điểm và yêu cầu của UNESCO đối với các di sản văn hóa phi vật thể; ứng dụng lý thuyết vào công tác kiểm kê di sản Mo Mường ở Hà Nội, hướng dẫn kiểm kê; thực hành kiểm kê thông qua việc phỏng vấn các thầy Mo.
Thông qua những kiến thức được các chuyên gia cung cấp, nhận thức về di sản Mo Mường được củng cố, nâng cao hơn trong đội ngũ cán bộ, qua đó, phục vụ tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mo Mường, hướng tới việc Di sản Văn hóa Phi vật thể Mo Mường được UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể bảo vệ khẩn cấp./.