Bảo tồn loài Cu li quý hiếm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Hiện các loài Cu li tạiKhu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và cần phải bảo tồn nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.
Loài Culi nhỏ. (Ảnh: TTXVN phát)

Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai Dự án khoa học “Điều tra đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài Cu li (Nycticebus spp) (giai đoạn 2019-2021)” nhằm bảo tồn, phát triển bền vững loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của tự nhiên.

Tính đến tháng 7/2020, Dự án đã điều tra hiện trạng phân bố loài Cu li tại rừng đặc dụng tại các tiểu khu 520, 517, 494, 499, 501 thuộc xã Vạn Xuân, xã Yên Nhân và thị trấn Thường Xuân.

Năm cá thể Cu li nhỏ và một cá thể Cu li lớn, cùng các loài động vật khác như Cầy vằn gấm, Đuôi cụt cánh xanh đã được phát hiện trong quá trình điều tra soi đêm.

[Nhiều cá thể động vật hoang dã quý, hiếm được giải cứu trong tháng Năm]

Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên Đỗ Ngọc Dương cho biết trong thời gian thực hiện dự án, Ban quản lý sẽ điều tra, đánh giá hiện trạng quần thể, khu vực phân bố trên 9 tuyến cố định, phỏng vấn các hộ dân và ghi nhận thành phần thức ăn trên 15 tuyến tại các khu rừng đặc dụng của Khu Bảo tồn.

Đồng thời, Dự án tổ chức tập huấn nâng, cao nhận thức cho cộng đồng và chính quyền địa phương tại 5 xã gồm đại diện Ủy ban Nhân dân xã, thị trấn, tổ bảo vệ rừng, các hộ của 12 thôn bản giáp ranh khu bảo tồn với 300 người tham gia.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên tổ chức các buổi hoạt động giáo dục môi trường về bảo tồn đa dạng sinh học tại 6 trường học; chiếu video giới thiệu về bảo tồn động vật hoang dã, viết bài tìm hiểu và dựng báo cáo chuyên đề về hiện trạng quần thể, đặc điểm khu vực phân bố các loài Cu li và làm đĩa DVD lưu trữ toàn bộ tài liệu, qua đó đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát triển loài động vật quý hiếm này.

Ngoài ra, cán bộ Khu Bảo tồn điều tra, ghi nhận bổ sung tại các điểm từ người dân cung cấp thông tin bắt gặp loài trong quá trình đi rừng; tìm hiểu sinh cảnh sống tại các khu vực rừng hỗn giao gỗ tre nứa tự nhiên, núi đất, rừng gỗ tự nhiên núi đất loại rừng thường xanh nghèo, rừng gỗ tự nhiên núi đất loại rừng thường xanh phục hồi. Đây là những nơi có dấu vết xuất hiện của các loài Cu li đang sinh sống và tìm thức ăn.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, các loài Cu li gồm Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus) và Cu li lớn (Nycticebus bengalensis).

Hiện các loài Cu li này đã có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và cần phải bảo tồn nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.

Loài Cu li nhỏ có lưng màu vàng, xung quanh hai mắt có vòng tròn lông màu nâu vàng, hai dải lông màu nâu sẫm chạy từ đỉnh đầu xuống trên hai mắt, lông mềm mại, dọc sống mũi có vệt trắng, ngón chân thứ 2 có vuốt, các ngón chân khác có móng.

Con cái trưởng thành sau 9 tháng, con đực sau 17-20 tháng. Loài này thường kiếm ăn vào ban đêm, thức ăn là quả, nõn cây, côn trùng, trứng chim, chim non trong tổ.

Loài vật này thích leo trèo, sống đơn độc hay thành nhóm nhỏ 3-4 con, dễ thích nghi với điều kiện rừng thưa, thoáng, trên các gốc cây, bụi rậm, ven rừng, trên nương rẫy.

Koài Cu li lớn có đầu tròn, trên đỉnh đầu có sọc màu nâu sẫm, mắt trố to, lông mịn màng và có màu vàng đỏ, bụng màu hơi vàng nhạt. Hông và chân sau có màu đỏ hoe.

Con đực và con cái trưởng thành sau 21 tháng, cuộc sống kéo dài khoảng 20 năm. Chúng thường hoạt động ban đêm, thức ăn chủ yếu là quả cây, các loài côn trùng.

Loài động vật này thường làm tổ trên các hốc cây, sống leo trèo, sống đơn độc hoặc thành nhóm 3-4 cá thể tại các rừng tre nứa, rừng nguyên sinh, cây bụi, các khu rừng thứ sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục