Trong khuôn khổ thực hiện Dự án "Nâng cao năng lực cho cán bộ khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, thu hút người dân tham gia hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích," Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng phối hợp trường Đại học Lâm nghiệp thực hiện chương trình “Điều tra, giám sát loài Chà Vá chân đen và một số loài trong họ Trĩ-bộ Gà" của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (thuộc địa bàn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).
Với mục tiêu bảo tồn các loại động vật quý hiếm đang bị đe dọa giảm sút, trong đó có loài nguy cơ bị tuyệt chủng, Đề tài điều tra, đánh giá xu hướng biến đổi theo thời gian về trữ lượng thành phần, những mối đe dọa các loài động vật này. Từ kết quả điều tra, các nhà khoa học sẽ đề xuất một số giải pháp bảo tồn các loài động vật quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế và nghiên cứu khoa học.
Việc nghiên cứu và giám sát các loài động vật quý hiếm được tiến hành trong từng khu vực của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng để xác định số lượng, điều kiện sinh sống và khả năng phát triển của các loài.
Chương trình giám sát đối với loài Chà Vá chân đen trong các khu vực từ tháng 7-12/2013 đã ghi nhận được 10 lần bắt gặp với 64 cá thể. Trong đó, số lượng cá thể loài của nhóm lớn tuổi và trưởng thành cao hơn các cá thể trong nhóm trung bình và con non. Như vậy, quần thể Chà Vá chân đen có xu hướng giảm số lượng cá thể ở thế hệ mới.
Nghiên cứu một số loài trong họ Trĩ-bộ Gà, các nhà khoa học đã gặp loài Gà Lôi vằn (Lophura nycthemera annamensis) sinh sống từng đàn trong rừng hỗn giao cây gỗ và tre nứa.
Loài Gà Lôi vằn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng có số lượng quần thể tương đối nhiều và tập trung ở vùng rừng thường xanh.
Đối với loài Gà Rừng (Gallus gallus) được gặp khá phổ biến với số lượng khá nhiều.
Riêng đối với Gà Tiền mặt đỏ, gặp số lượng cá thể tương đối ít. Kết quả này cũng báo động về số lượng quần thể loài Gà Tiền mặt đỏ tại khu bảo tồn.
Địa bàn sống thích hợp của Gà Tiền mặt đỏ là các sinh cảnh rừng ẩm thường xanh, rậm rạp, nửa thường xanh hoặc rừng hỗn giao với độ cao dưới 1.200m. Mối đe dọa lớn nhất với loài này chủ yếu là tình trạng săn bẫy của người dân vùng đệm, đặc biệt là người dân khu vực xã Đắk Som và Đạ K'Nàng.
Đối với loài Gà So họng trắng (Arborophila brunneopectus), trong quá trình điều tra nghiên cứu đã gặp một số cá thể. Loại động vật này sinh sống vùng rừng ẩm thường xanh, rậm rạp và chúng thường ăn hạt, quả mềm, mối và côn trùng.
Trong quá trình điều tra giám sát quần thể các loài, các nhà khoa học đã xác định khu bảo tồn có đầy đủ trạng thái, sinh cảnh rừng là môi trường sống lý tưởng của các loài trọng họ Trĩ-bộ Gà.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng săn bắn, bẫy bắt tràn lan của người dân vùng đệm đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tồn tại của quần thể những loài động vật này. Đặc biệt là nhóm cư dân từ nơi khác đến vùng này săn bắn mang tính “hủy diệt” bằng các công cụ như lưới, bẫy, súng kíp.
Trên cơ sở điều tra nghiên cứu thực tế, các nhà khoa học đã đề xuất một số biện pháp bảo tồn loài Chà Vá chân đen và một số loài trong họ Trĩ-bộ Gà ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Đó là việc xây dựng các chương trình điều tra giám sát các loại động vật hoang dã để đánh giá rõ hơn về quần thể loài nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn loài.
Ngành lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông phải xây dựng chương trình đa dạng sinh học phù hợp với mục tiêu quản lý khu bảo tồn. Địa phương phải giám sát về sử dụng tài nguyên rừng của cộng đồng dân cư sống ở vùng đệm của khu bảo tồn để giải quyết việc phát triển kinh tế hợp lý, nhằm điều chỉnh quản lý khu bảo tồn thích hợp.
Đi đôi với công tác quản lý bảo vệ tài nguyên, ngành kiểm lâm và ngành giáo dục của tỉnh cần tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức và giáo dục trong cộng đồng, đối tượng tập trung vào học sinh, những người săn bắn và người dân vùng đệm khu bảo tồn. Cấm và ngăn chặn kịp thời dân di cư tự do lấn chiếm rừng và đất rừng; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến tài nguyền rừng.
Ông Lê Quang Dần, Giám đốc Khu bảo tồn Tà Đùng cho biết: "Việc thực hiện điều tra giám sát các loài động vật tại khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng giúp cán bộ khu bảo tồn cũng như cộng đồng dân cư sống trong và ven khu bảo tồn nâng cao về nhận thức bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt kỹ năng thực thi pháp luật bảo vệ rừng của cán bộ đã được nâng lên rõ rệt."
Cũng theo ông Dần, thời gian tới Khu bảo tồn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra bảo vệ rừng và ngăn chặn những tác động của con người, đặc biệt là các khu vực phân bố tập trung các loài động vật nguy cấp và quý hiếm./.