Bảo tồn hiệu quả loài rùa biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo

Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công và hiệu quả nhất về chương trình bảo tồn và cứu hộ rùa biển.
Bảo tồn hiệu quả loài rùa biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo ảnh 1Thả cá thể rùa biển quý hiếm về với tự nhiên. (Ảnh: TTXVN)

Trước năm 1987, các loài rùa biển như Vích (Rùa Xanh - Chelonya mydas ), Đồi Mồi ( Eretmochelys imbricata ) được săn bắt tự do tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để sản xuất hàng mỹ nghệ, làm thực phẩm, thậm chí để chăn nuôi.

Nhưng sau chuyến thăm Côn Đảo của Giáo sư Võ Quý (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) và bà Elizabeth Kemf (Thư ký Hội Hòa bình xanh thế giới) vào giữa năm 1987 và theo khuyến cáo của các nhà khoa học này, công tác bảo tồn các loài rùa biển nói chung trong đó có Vích và Đồi Mồi tại Côn Đảo bắt đầu được quan tâm và quản lý, bảo vệ một cách chu đáo.

Những nỗ lực "thầm lặng"

Tháng 8/1987, Ủy ban Nhân dân quận Côn Đảo thông báo: “Kể từ ngày 1/9/1987, cấm di chuyển các loại thú rừng, Đồi Mồi, Vích, kể cả các sản phẩm được chế biến từ các loài thú đó ra khỏi Côn Đảo.”

Nhưng nạn săn bắt rùa biển nói chung tại đây chỉ được đẩy lùi kể từ khi Ủy ban Nhân dân huyện ra Chỉ thị số 02 ngày 14/2/1989 về việc bảo vệ ngư trường, tài nguyên thiên nhiên, môi trường ở các bãi biển và vùng biển xung quanh Côn Đảo.

Trong đó quy định cụ thể một hành lang rộng 10 hải lý quanh các đảo, không được khai thác hoặc sử dụng các ngư cụ khai thác hải sản gây tổn thương hay cản trở rùa biển; không được giăng tất cả các loại lưới trước bãi đẻ của rùa biển; trong mùa sinh sản của rùa biển, các bãi đẻ là vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo các quy định không làm thay đổi cảnh quan, không đốt lửa, không gây ô nhiễm môi trường…

Ngoài Ban quản lý rừng cấm, xí nghiệp hải sản, trạm khai thác yến sào và lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ, không ai được tự ý ra vào hoặc ngủ lại đêm ở các bãi cát, các hòn.

Đó là những cơ sở pháp lý có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, là nền tảng bước đầu cho công tác quản lý, bảo tồn các loài rùa biển tại Côn Đảo. Đồng thời Ban quản lý Rừng cấm Côn Đảo (nay là Vườn quốc gia Côn Đảo) đã có đề án cũng cố, xây dựng hệ thống các Trạm Kiểm lâm, đặc biệt là ưu tiên thành lập các Trạm Kiểm lâm tại các đảo nhỏ có tầm quan trọng về sinh thái, đa dạng sinh học và có rùa biển sinh đẻ tại Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Tre Lớn, Hòn Tài và Bãi Dương.

Việc triển khai các Trạm Kiểm lâm ở các đảo nhỏ trong thời điểm đó là một nỗ lực rất lớn của đơn vị và các kiểm lâm viên, với mục tiêu trước hết là ngăn chặn sự xâm nhập bất hợp pháp, khai thác trái phép rùa biển tại các đảo nhỏ, là một định hướng chiến lược có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên nói chung, bảo tồn tài nguyên biển, rùa biển tại Côn Đảo cho đến ngày nay.

Về công tác nghiên cứu và bảo tồn rùa biển, địa điểm nghiên cứu đầu tiên về rùa biển tại Côn Đảo diễn ra tại bãi cát lớn Hòn Bảy cạnh vào năm 1990, sau đó tại Hòn Cau, Hòn Tre Lớn, Hòn Tài, bãi Dương (thuộc Hòn Bảy Cạnh).

Các cán bộ khoa học và các kiểm lâm viên tại đơn vị thực hiện với phương châm "vừa tự nghiên cứu, vừa triển khai" trong bối cảnh chưa thông thạo chuyên môn, không có tư liệu về rùa biển, không có sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan khoa học trong và ngoài nước.

Sự nỗ lực của các cán bộ khoa học và nhân viên kiêm lâm ở các đảo lúc bấy giờ là những đóng góp "thầm lặng," rất đáng được trân trọng trong khoa học và thực hiện rất tốt việc ngăn chặn cơ bản tình trạng săn bắt trộm rùa biển tại các đảo nhỏ; ghi nhận các thông tin quan trọng về tập tính sinh đẻ, mùa đẻ trứng của rùa mẹ, đeo thẻ để theo dõi một số đặc điểm sinh học của rùa mẹ, các hoạt động làm tổ trên bãi cát của rùa biển.

Thành quả đáng ghi nhận

Đến năm 1995, Vườn quốc gia Côn Đảo đã đề xuất và được Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF) đồng ý tài trợ ngân sách thực hiện dự án "Bảo tồn và cứu hộ rùa biển tại Côn Đảo".

Tiếp đó vào năm 1996, tổ chức WWF đồng ý với đề xuất và tiếp tục tài trợ ngân sách cho 8 cán bộ được tham gia khóa đào tạo và tham quan về bảo tồn biển, bảo tồn rùa biển tại Philippines, Malaysia. Có thể nói đây là những sáng kiến, dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn các hệ sinh thái biển, bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo mà Vườn quốc gia Côn Đảo đã nỗ lực thực hiện.

Nhờ đó công tác bảo tồn biển, bảo tồn rùa biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo được tổ chức thực hiện một cách khoa học, bài bản hơn và được nhiều tổ chức khoa học, bảo tồn trong nước, quốc tế chú ý, quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt.

Một số nghiên cứu đã được thực hiện như đeo thẻ cho rùa mẹ để ghi nhận các thông tin số lần đẻ trong mùa sinh sản, chu kỳ đẻ trứng của rùa mẹ, địa điểm di cư của rùa mẹ....; cứu hộ trứng rùa biển; đeo máy theo dõi qua vệ tinh; nghiên cứu ảnh hưởng nhiệt độ trong tổ trứng đến giới tính của rùa con; triển khai chương trình nghiên cứu sự tác động của biến đổi bờ biển đến sự sinh sản của rùa biển và nghiên cứu cấu trúc ADN của quần thể rùa biển tại Côn Đảo vào năm 2010.

Qua hơn 20 năm nỗ lực quản lý, nghiên cứu, bảo tồn rùa biển, Vườn quốc gia Côn Đảo đã bảo vệ sinh cảnh đẻ trứng của Rùa Xanh và Đồi mồi một cách nghiêm ngặt.

Hiện tại Vườn có 14 bãi biển có Rùa lên đẻ trứng với tổng diện tích các bãi đẻ trên 20.000m2. Một số bãi đẻ của rùa có diện tích lớn như bãi cát lớn đảo Bảy Cạnh, bãi cát lớn Hòn Cau, bãi cát lớn Hòn Tre Lớn, bãi cát Hòn Tài, bãi Dương Hòn Bảy Cạnh.

Hàng năm từ tháng 5 đến tháng 10 có trên 400 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo để làm tổ, đẻ trứng. Có trên 120.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển, tỷ lệ trứng nở thành công đạt đến 87%.

Vào mùa cao điểm, một số bãi biển ở Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tre lớn mỗi đêm có 10-20 rùa mẹ lên làm tổ. Biết được đặc tính sinh thái, đặc điểm sinh vật học của quần thể Rùa Xanh về làm tổ tại Côn Đảo.

Kết quả các nghiên cứu trên là những dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn rùa biển không những tại Côn Đảo mà còn có giá trị trong cả nước.

Có thể nói Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công và hiệu quả nhất về chương trình bảo tồn và cứu hộ rùa biển, đóng góp rất quan trọng trong Chiến lược hành động đa dạng sinh học của quốc gia và khu vực.

Ghi nhận những thành công và đóng góp quan trọng đó, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã hai lần xác lập kỷ lục cho Vườn quốc gia Côn Đảo vào năm 2009 tiêu biểu như là nơi nuôi ấp và thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam. Đồng thời Côn Đảo là Vườn quốc gia duy nhất ở Bà Rịa-Vũng Tàu có đầy đủ các dạng sinh thái.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục