Bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp: Gìn giữ nguồn tài nguyên quý giá

Trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nội dung bảo vệ, bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt là các loài hoang dã nguy cấp, là một trong những trọng tâm.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Nguồn: Tổng cục Môi trường)

Động vật hoang dã là một bộ phận không thể thiếu trong lớp sinh quyển mà con người chúng ta đang có mặt và là một mắt xích quan trọng cho chuỗi chuyển hóa sinh học đang diễn ra.

Bảo tồn động vật hoang dã, một nguồn tài nguyên quý giá, cũng là thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Hiện nay tình hình buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn diễn ra khá phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng như thế nào đến đa dạng sinh học tại Việt Nam cũng như những cam kết quốc tế của Việt Nam, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Việc buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã là một trong những nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt là suy giảm các loài động vật hoang dã trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Bất cứ một loài nào đều là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái và sự biến mất một loài cũng có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng trong tự nhiên.

Việt Nam đã thực hiện rất nhiều cam kết liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã như Công ước đa dạng sinh học hay là Công ước buôn bán quốc tế đối với các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, Công ước Ramsar để bảo vệ các loài, các khu vực đất ngập nước quan trọng có tầm quan trọng đối với các loài chim nước; nhiều thỏa thuận hợp tác đa phương và song phương liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã cũng như bảo vệ đa dạng sinh học. Khi chúng ta đã tham gia các cam kết như vậy thì chúng ta phải thực hiện các cam kết đó.

[Bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp: Ngăn chặn các hành vi] 

Trên thực tế, tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã ở Việt Nam tạo ra một hình ảnh không tốt đối với những cam kết của chúng ta. Hiện nay, thế giới vẫn có những đánh giá Việt Nam là điểm tiêu thụ động vật hoang dã, thậm chí là điểm trung chuyển động vật hoang dã.

- Thưa bà, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như thế nào để bảo tồn các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nội dung bảo vệ, bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt là các loài hoang dã nguy cấp là một trong những nội dung trọng tâm. Chiến lược cũng đề ra mục tiêu là cần phải bảo tồn hiệu quả các loại hoang dã, đặc biệt là loài nguy cấp, quý hiếm.

Chiến lược cũng đặt ra những chỉ số rất cụ thể như đến năm 2030 phải cải thiện được tình hình của tối thiểu là 10 loài đang bị đe dọa; không có thêm các loài nguy cấp nào bị tuyệt chủng… Chiến lược cũng đề ra các nội dung chủ yếu để thực hiện, thúc đẩy công tác bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt là các loài động vật hoang dã nguy cấp như điều tra, đánh giá và liên tục cập nhật và công bố danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm để có biện pháp bảo tồn.

Ví dụ như việc thiết lập, tăng cường thiết lập hệ thống các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, những mạng lưới trung tâm cứu hộ, các loài động vật hoang dã, thực hiện các giải pháp để giảm mối đe dọa tới các loài động vật hoang dã (kiểm soát việc săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, nhân nuôi, tái thả các loài động vật hoang dã vào tự nhiên).

- Nhằm tăng cường bảo tồn các loài chim hoang dã nói chung và chim di cư nói riêng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phổ biến và triển khai Chỉ thị số 04 CT-Ttg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Bà có thể cho biết cụ thể nội dung Chỉ thị này như thế nào?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Đây là lần đầu tiên chúng ta có Chỉ thị riêng của Thủ tướng Chính phủ để bảo vệ một nhóm loài, cụ thể là các loài chim hoang dã di cư. Chỉ thị ra đời trong bối cảnh việc khai thác và buôn bán, tiêu thụ các loài chim di cư diễn ra tràn lan hiện nay. Việt Nam là thành viên của các đường bay chim di cư nên phải có trách nhiệm để bảo vệ các loài loài chim hoang dã.

Cá thể rái cá thuộc nhóm 1B, có trọng lượng 8kg. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Chỉ thị được ban hành đã chỉ đạo một cách toàn diện để huy động toàn bộ lực lượng, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ các loài chim hoang dã di cư như bảo vệ sinh cảnh, chống xâm hại các sinh cảnh; bảo vệ những điểm dừng chân của khu vực di cư các loài chim nguy cấp, bảo vệ các tuyến đường bay; các hoạt động liên quan đến kiểm soát, ngăn chặn việc khai thác, đánh bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim, xóa bỏ những tụ điểm buôn bán trái phép đối với các loài chim hoang dã…

- Thời gian tới, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học tiếp tục có những giải pháp cụ thể nào để thúc đẩy hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Về cơ bản, hiện chúng ta đã tạo lập được một hành lang pháp lý tương đối toàn diện để bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã. Mặc dù vậy, một số điểm vẫn còn tồn tại chưa sát với thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa bảo tồn và sử dụng động vật hoang dã. Cần phải có chính sách rõ ràng hơn trong việc xác định các đối tượng, các loài được ưu tiên bảo vệ. Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay vẫn chưa thể hiện rõ nét loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ nào là được phép, là nhân nuôi để phát triển về mục đích thương mại.

Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Tài nguyên Môi trường để xây dựng các văn bản quy định về quản lý đa dạng sinh học nói chung cũng như bảo vệ các loài động vật hoang dã nói riêng. Chúng tôi cũng đang rà soát lại các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đề xuất sẽ sửa đổi về tiêu chí xác định cũng như chế độ bảo vệ, quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Ngoài ra, công tác cứu hộ động vật hoang dã còn nhiều bất cập, khả năng cứu hộ còn hạn chế; đặc biệt là thiếu hành lang pháp lý cũng như hướng dẫn kỹ thuật, thiếu nguồn lực để bảo vệ động vật hoang dã. Để thực hiện các nhiệm vụ này, Cục cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan để có đánh giá đầy đủ, tổng thể về tình trạng cứu hộ cũng như là các hoạt động của các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Từ đó đề xuất, kiến nghị để tạo hành lang pháp lý giúp cho việc thực hiện các hoạt động cứu hộ động vật nói chung và động vật hoang dã nói riêng. Cục cũng đang triển khai xây dựng một đề án để tăng cường năng lực các cơ sở bảo tồn, trong đó có các cơ sở cứu hộ các loài hoang dã.

Chúng tôi cũng đang phối hợp với các tổ chức bảo tồn để xác định một số loài có khả năng nhân nuôi và tái thả vào tự nhiên; tích cực truyền thông nâng cao nhận thức đối với các bên liên quan; tập huấn cho cán bộ của các sở tài nguyên môi trường, các ban quản lý khu bảo tồn, các cơ quan thực thi pháp luật về chính sách cũng như quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật trong cứu hộ, bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy rằng bảo vệ động vật hoang dã không chỉ cần sự tham gia tích cực của cơ quan quản lý Nhà nước mà cần có sự tham gia của rất nhiều bên liên quan như các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan đoàn thể, khu vực tư nhân, cộng đồng. Tất cả mọi người chúng ta chỉ sống trong hành tinh Trái đất và tất cả đều phải có trách nhiệm đối với việc xây dựng một môi trường trong lành, bền vững và có trách nhiệm đối với việc bảo vệ mọi sự sống trên Trái đất. Từ việc nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, mỗi cá nhân phải thay đổi hành vi ứng xử của mình đối với thiên nhiên cũng như đối với đa dạng sinh học và môi trường.

Trân trọng cảm ơn bà!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục