Bảo tồn đình làng trong môi trường làng quê

Bảo tồn đình làng: Cần đặt trong môi trường làng quê

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, các nhà quản lý cần xây dựng một hồ sơ tổng hợp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đình làng.
Đình Chu Quyến (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam/TTXVN)

“Các nhà quản lý cần xây dựng một hồ sơ tổng hợp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đình làng trước nguy cơ mai một, biến dạng của loại hình di sản này trong đời sống hiện nay.”

Giáo sư sử học Lê Văn Lan đưa ra khuyến nghị như vậy tại Hội thảo “Không gian văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ Việt Nam-Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản” do trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào sáng 10/12.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, nhà sử học Lê Văn Lan cho hay, đình làng không chỉ là nơi tôn nghiêm thờ tự các vị thành hoàng làng mà còn là môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống (nơi tổ chức lễ hội, không gian diễn xướng các loại hình nghệ thuật cổ truyền và sinh hoạt giao duyên…).

Bên cạnh đó, đình làng là nơi hội tụ nhiều giá trị kiến trúc, điêu khắc độc đáo thể hiện hồn cốt và thẩm mỹ của người Việt.

Tuy nhiên, theo giáo sư Lê Văn Lan, hiện nay, việc nghiên cứu về các giá trị của di sản đình làng vẫn chưa có sự tổng hợp, liên ngành.

“Tôi cho rằng, đã gọi là ‘không gian văn hóa đình làng’ tức là nó bao gồm nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử. Thế nhưng, các nhà chuyên môn (đứng ở những góc độ khác nhau) đi vào nghiên cứu về loại hình di sản này theo những bình diện riêng; từ đó, chưa đưa ra mô hình tổng hợp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đình làng,” giáo sư Lê Văn Lan bày tỏ.

Cùng với đó, nhà sử học này cũng cho rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị của những ngôi đình cần được đặt trong bối cảnh không gian, môi trường chung của các làng quê.

“Nền tảng của đình chính là những ngôi làng mà các đình ấy tồn tại. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, làng đang đứng trước nguy cơ biến tướng, mất dần,” giáo sư Lê Văn Lan bày tỏ.

Ông cho rằng, cách bảo tồn như vậy sẽ tạo nên tính chỉnh thể thống nhất, hình dung được toàn diện các giá trị cũng như sự mất mát, lạc hậu của đình làng theo thời gian. “Từ đó, chúng ta sẽ chọn lọc được những yếu tố phù hợp với đời sống đương đại để phát huy tốt hơn giá trị của di sản đình làng,” giáo sư phân tích.

Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Lê Văn Lan, giáo sư Phạm Công Thành cũng cho rằng, việc bảo tồn loại hình di sản này cần phát huy được tính chất “ngôi nhà chung” của đình làng. “Đó vừa phải là nơi thể hiện văn hóa tín ngưỡng thờ thành hoàng làng tôn nghiêm, vừa phải là nơi tự do sinh hoạt cộng đồng,” nhà nghiên cứu Phạm Công Thành nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, thời gian qua, không gian di sản đình làng mới chủ yếu được nhắc đến với tư cách là nơi thờ tự các vị thành hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, các vị tổ nghề; nơi gìn giữ những tinh hoa kiến trúc, điêu khắc của dân tộc. Trong khi đó, chức năng quy tụ và gắn kết các thành viên trong cộng đồng của đình làng chưa được bàn nhiều.

Trao đổi về vấn đề này, phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Thanh Mai chia sẻ: Kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế của các chuyên gia thuộc trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (từ năm 2011 đến nay) cho thấy, phần lớn, chỉ có những người cao tuổi tại các địa phương còn ghi nhớ những câu chuyện truyền thuyết, thần tích về ngôi đình, các vị thành hoàng làng được thờ tự ở đó.

Trong khi đó, “giới trẻ bây giờ rất hiếm khi tham gia các sinh hoạt cộng đồng chung ở đình làng. Họ thường chỉ tới đó vào những dịp lễ hội,” bà Mai nói.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ triển lãm “Không gian văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ” (diễn ra từ ngày 6-19/12 tại trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục