Bảo tồn biển vì sự phát triển bền vững thủy sản Việt Nam

Tại hội nghị bảo tồn biển vì sự phát triển bền vững thủy sản, các đại biểu sẽ thảo luận xây dựng kế hoạch quản lý nghề cá bền vững trong khu bảo tồn biển.
Bảo tồn biển vì sự phát triển bền vững thủy sản Việt Nam ảnh 1Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Đức Ánh/TTXVN)

Ngày 2/7, tại Vườn Quốc gia Núi Chúa ở tỉnh Ninh Thuận, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị Bảo tồn biển vì sự phát triển bền vững thủy sản Việt Nam.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được sau 5 năm triển khai Quyết định 742/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê quyệt quy hoạch khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, đề xuất các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo; đồng thời xây dựng kế hoạch lồng ghép quản lý nghề cá bền vững trong các khu bảo tồn biển.

Tham dự hội nghị có hơn 80 đại biểu, đại diện các bộ, ban, ngành liên quan; các tỉnh, thành phố có khu bảo tồn biển nằm trong danh sách 16 khu bảo tồn biển được qui hoạch tại Việt Nam.

Sau 5 năm triển khai Quyết định 742/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh liên quan triển khai điều tra, quy hoạch chi tiết 8/16 khu bảo tồn biển.

Trong số đó có 5 khu bảo tồn biển gồm Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Hòn Cau, Phú Quốc đã đi vào hoạt động và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận; 3 khu bảo tồn biển là một phần của Vườn Quốc gia là Cát Bà, Núi Chúa và Côn Đảo cũng tiếp tục được quản lý. Riêng khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập ngày 31/12/2013.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám, ngành thủy sản Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân và cuộc sống của người dân lao động ven biển, trên các hải đảo. Trên thực tế, ngành thủy sản đã có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và luôn đứng ở vị trí 10 ngành kinh tế dẫn đầu trong xuất khẩu.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành thủy sản cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, sự suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên và suy thoái các hệ sinh thái biển, ven biển được xem là vấn đề nổi cộm cần ưu tiên giải quyết.

Thông qua hội nghị này, các đại biểu là các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi những kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo; đồng thời xây dựng kế hoạch lồng ghép quản lý nghề cá bền vững trong các khu bảo tồn biển.

Qua đó giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có cái nhìn tổng thể để xây dựng thực hiện kế khoạch năm 2016 và giai đoạn 2016-2020, tạo cơ sở vững chắc cho phát triển thủy sản bền vững ở Việt Nam.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận và thống nhất nhận định, công tác quản lý khu bảo tồn biển tại Trung ương và địa phương còn có những bất cập, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước.

Ở Việt Nam vẫn chưa có đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước đối với các khu bảo tồn thiên nhiên. Hiện tại công tác quản lý khu bảo tồn thiên nhiên thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được Chính phủ giao quản lý hệ thống khu bảo tồn rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa (theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn dưới Luật).

Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý hệ thống các khu bảo tồn đất ngập nước (theo Luật Đa dạng Sinh học). Đối với các khu bảo tồn cấp tỉnh thì Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý toàn bộ khu bảo tồn nằm trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận các định hướng ưu tiên về chính sách và công tác quản lý theo các chủ đề xây dựng kế hoạch quản lý chuẩn áp dụng cho mạng lưới khu bảo tồn biển Việt Nam; bộ tiêu chí đánh giá về hiệu quả quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam; cơ chế tài chính bền vững cho các khu bảo tồn biển; các khuyến nghị chính sách và quản lý liên quan đến quản lý hiệu quả và bền vững khu bảo tồn biển; cơ chế hợp tác quản lý giữa Trung ương với địa phương và doanh nghiệp.

Hội nghị Bảo tồn biển vì sự phát triển bền vững thủy sản Việt Nam là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ Hợp tác 5 năm từ 2015-2020 giữa Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy trên một số lĩnh vực.

Trong đó có bảo tồn các loài thủy sản quý hiếm đang bị đe dọa toàn cầu, trong đó có rùa biển và bảo tồn các sinh thái biển, ven biển; hợp tác nghiên cứu đánh giá hiệu quả quản lý mạng lưới khu bảo tồn biển Việt Nam; nghiên cứu và hoàn thiện khung pháp lý để đưa Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam (VIFARR) đi vào hoạt động, tạo cơ chế tài chính bền vững cho công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục