Bảo tồn bền vững và lâu dài loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam

Voọc mũi hếch là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, chúng đang bị đe dọa tuyệt chủng cao nhất thế giới bởi nạn săn bắt trái phép và môi trường sống bị thu hẹp do diện tích rừng bị tàn phá.
Bảo tồn bền vững và lâu dài loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam ảnh 1Các chuyên gia Tổ chức FFI tại Việt Nam đi khảo sát thực tế ở khu rừng Khau Ca thuộc Vườn Quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Ngày 21/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang và Tổ chức bảo tồn Động thực vật hoang dã quốc tế (Tổ chức FFI) tại Việt Nam ký kết bản ghi nhớ bảo tồn voọc mũi hếch và các loài thực vật nguy cấp tại Hà Giang, giai đoạn 2022-2027.

Giai đoạn 2022-2027, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang và Tổ chức FFI tại Việt Nam thực hiện bảo tồn voọc mũi hếch và các thực vật nguy cấp thông qua các hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, giám sát quần thể và sinh cảnh; phục hồi, mở rộng sinh cảnh rừng.

Hai bên thiết lập hành lang sinh thái; ngăn chặn, giảm thiểu các mối đe dọa do các hoạt động con người đối với voọc mũi hếch và sinh cảnh của chúng; ứng dụng công nghệ tiến bộ trong nghiên cứu bảo tồn, nâng cao nhận thức bảo tồn; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

[Bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng]

Hai bên tạo lập cơ chế tài chính bền vững để bảo tồn rừng qua hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng hoặc các dịch vụ hệ sinh khác; khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn dựa vào cộng đồng thông qua việc hỗ trợ thành lập, đào tạo nhóm bảo tồn cộng đồng, nhóm tuần rừng.

Ông Hoàng Văn Lâm, Giám đốc Quốc gia Tổ chức FFI tại Việt Nam cho biết voọc mũi hếch là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, chúng đang bị đe dọa tuyệt chủng cao nhất thế giới bởi nạn săn bắt trái phép và môi trường sống bị thu hẹp do diện tích rừng bị tàn phá.

Năm 2002, khi phát hiện quần thể voọc mũi hếch với khoảng 60 con tại Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Khau Ca (khu vực xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên và xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, Hà Giang), Tổ chức FFI tại Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng, cộng đồng địa phương nỗ lực bảo tồn voọc mũi hếch và các loài động, thực vật nguy cấp ở khu rừng Khau Ca thuộc Vườn Quốc gia Du Già-Cao nguyên đá Đồng Văn và khu rừng Cao-Tả-Tùng thuộc 3 xã Cao Mã Pờ, Tả Ván, Tùng Vài thuộc huyện Quản Bạ.

Theo thống kê, Hà Giang hiện có khoảng 200 cá thể voọc mũi hếch, trong đó ở khu rừng Khau Ca có khoảng 140-160 cá thể và khu rừng Cao-Tả-Tùng có khoảng 10-20 cá thể.

Để tiếp tục bảo vệ loài linh trưởng đặc hữu này, Giám đốc Quốc gia Tổ chức FFI tại Việt Nam Hoàng Văn Lâm mong muốn Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ hệ sinh cảnh và quần thể voọc mũi hếch.

Tỉnh thực hiện tốt công tác truyền thông đến mọi tầng lớp nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số không được săn bắt, giăng bẫy loài linh trưởng này cũng như loại bỏ tập quán phát nương làm rẫy làm thay đổi hệ sinh cảnh; triển khai các mô hình sinh kế cho người dân vùng dự án để giảm áp lực vào rừng; tiếp tục giữ gìn mở rộng môi trường sống cho quần thể voọc mũi hếch.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long đánh giá cao các ý tưởng của Tổ chức FFI tại Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch bảo tồn voọc mũi hếch bằng những giải pháp bền vững, lâu dài.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang mong muốn Tổ chức FFI tại Việt Nam tiếp tục triển khai tổng thể các hoạt động bảo tồn tại tất cả địa phương có quần thể voọc mũi hếch sinh sống; tổ chức đẩy mạnh công tác điều tra, giám sát quần thể voọc mũi hếch và sinh cảnh của chúng ở khu rừng Khau Ca và Cao-Tả-Tùng; tuyên truyền và nâng cao nhận thức bảo tồn cho cộng đồng địa phương; triển khai nhiều chương trình trồng phục hồi rừng và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, hợp tác nghiên cứu khoa học bảo tồn voọc mũi hếch và các loài động, thực vật rừng, Tổ chức FFI tại Việt Nam phối hợp tốt với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang và các cơ quan liên quan trong việc triển khai các chương trình, dự án.

Cùng với đó là thực hiện có hiệu quả việc cải thiện sinh kế cho người dân, cải thiện môi trường sống, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức, giảm thiểu tác động của người dân vào các khu rừng...

Dịp này, Tổ chức FFI tại Việt Nam đã đi thăm quan, đánh giá mô hình thực hiện dự án và khảo sát thực tế ở khu rừng Khau Ca thuộc Vườn Quốc gia Du Già, Cao nguyên đá Đồng Văn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục