Lần đầu tiên sau 5 năm, đất nước Thái Lan sẽ được điều hành bởi một một chính phủ liên hiệp hình thành thông qua bầu cử.
Tuy nhiên, phóng viên TTXVN tại Thái Lan dẫn phân tích trên tờ Bangkok Post ngày 30/5 nhận định rằng liên minh cầm quyền mới, dù do phe nào đứng ra thành lập, cũng sẽ không có "tuần trăng mật."
Trong bài viết, tác giả cho rằng bên cạnh nhiệm vụ không mấy dễ dàng là duy trì sự ổn định của chính phủ liên minh gồm hơn 10 chính đảng, Thủ tướng khóa tới của Thái Lan còn đứng trước thách thức đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng tăng trưởng thấp hiện nay, cũng như giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vốn là hai đối tác quan trọng hàng đầu của Thái Lan.
Theo phân tích, cuộc đảo chính quân sự năm 2014 đã ít nhiều làm suy yếu nền kinh tế Thái Lan, đặc biệt là niềm tin của nhà đầu tư, kéo tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2014 xuống mức thấp 0,8%.
Để khắc phục tình trạng này, chính quyền quân sự ở Thái Lan đã thực hiện những chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế như: chi hàng trăm triệu bạt trợ giúp người nghèo và nông dân; đầu tư nâng cấp các tiêu chuẩn hàng không của nước này vốn bị Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) áp đặt trừng phạt từ năm 2015.
Ngoài ra, chính quyền quân sự tìm cách giải quyết nạn đánh bắt cá bất hợp pháp nhằm lấy lại lòng tin từ giới kinh doanh toàn cầu, đồng thời thúc đẩy các dự án đầu tư nội địa, trong đó, kế hoạch Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) mang lại khoản đầu tư khổng lồ cho nước này.
[Nhà vua Thái Lan bổ nhiệm quyền Chủ tịch Hội đồng Cơ mật]
Đầu tư mạnh mẽ của chính quyền quân sự Thái Lan đã thu được các kết quả ban đầu khá tích cực, theo đó tăng trưởng kinh tế nước này năm 2018 đạt 4%, mức cao nhất trong vòng 5 năm.
Tuy nhiên, năm 2019 xu hướng suy giảm kinh tế đã quay lại. Ngày 21/5 vừa qua, Ủy ban Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay xuống 3,6% so với mức dự báo trước đó là 4%.
Sự điều chỉnh này là do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó lĩnh vực xuất khẩu của Thái Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề.
NESDB đã hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu của nước này trong năm nay từ 4,4% xuống 2,2%.
Trong bối cảnh này, chương trình nghị sự chính yếu của chính phủ mới ở Thái Lan là giải quyết thách thức nêu trên.
Trước hết, sẽ phải tìm cách khôi phục nền kinh tế thông qua biện pháp kích thích tăng trưởng nội địa để bù đắp lĩnh vực xuất khẩu đang sa sút.
Điều quan trọng nữa là chính phủ mới sẽ phải bảo đảm rằng ngân sách năm tài khóa 2020 sẽ được thông qua tại quốc hội. Tuy nhiên, dự luật ngân sách này do Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) dự thảo, có thể không nhận được sự đồng thuận từ các đảng trong liên minh vốn không tham dự vào việc soạn thảo.
Dự luật này ban đầu dự kiến sẽ được đệ trình vào tháng Sáu tới, nhưng đang đứng trước nguy cơ sẽ bị trì hoãn 3 tháng do tình hình chính trị hiện nay.
Đơi với việc thành lập Chính phủ mới ở Thái Lan, bài viết trên tờ Bangkok Post nhận định hiện tại đảng Palang Pracharath (Quyền lực nhà nước nhân dân) thân chính quyền đương nhiệm đã đồng ý chia sẻ 3 vị trí bộ trưởng mà đảng Dân chủ yêu cầu.
Diễn biến trên đã mở đường cho việc thành lập một chính phủ liên minh do Palang Pracharath lãnh đạo.
Trước đó, Chủ tịch đảng Palang Pracharath, ông Uttama Savanayana đã bác bỏ đồn đoán cho rằng đảng này sẽ đẩy nhanh quá trình bầu thủ tướng mà không chờ quyết định của đảng Dân chủ.
Theo ông Uttama, một chính phủ liên minh với vị thế đa số mong manh ở Hạ viện sẽ chật vật trong vận hành và có thể sẽ phải giải tán Hạ viện.
Nếu những yêu cầu của đảng Dân chủ được chấp thuận, việc thành lập chính phủ liên minh của đảng Palang Pracharath sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc hoàn tất phân bổ vị trí trong các bộ không có nghĩa là việc thỏa thuận thành lập chính phủ đã hoàn thành.
Quá trình lựa chọn tân thủ tướng sẽ trở thành chủ đề thảo luận quan trọng giữa các đảng trong liên minh tiềm năng của Palang Pracharath./.