Ông Sầm Văn Dừn, người dành cả cuộc đời để sưu tầm, gìn giữ làn điệu sình ca, được ví như “bảo tàng sống” của dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang.
“Ở cái tuổi xưa nay hiếm rồi, tôi không biết còn có thể truyền lại văn hóa của dân tộc Cao Lan cho lớp trẻ được bao lâu nữa,” ông Dừn tâm sự.
Trong ngôi nhà sàn ở thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, ông Dừn say sưa giới thiệu với chúng tôi những nét văn hóa của dân tộc Cao Lan. Nói đến dân tộc Cao Lan là phải nói ngay tới sình ca. Sình ca là lối hát giao duyên, không có nhạc, hát bằng tiếng Cao Lan, sau đó hát lại bằng tiếng phổ thông. Tương truyền sình ca được chia làm 12 tập, hát trong 12 đêm, mỗi tập mang một nội dung và ý nghĩa khác nhau. Triết lý trong sình ca vô cùng sâu sắc với những câu hát ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi tình yêu đôi lứa, hát về con người, vũ trụ... Sình ca chính là “hồn cốt” của văn hóa Cao Lan.
Để gìn giữ làn điệu sình ca, hơn 20 năm qua, ông Dừn đã nỗ lực không ngừng để truyền dạy làn điệu sình ca cho cộng đồng dân tộc Cao Lan. Ông đã thành lập được hai đội văn nghệ, một đội cao tuổi và một đội trẻ tuổi. Với các tiết mục “tự biên, tự diễn,” đội văn nghệ trẻ tuổi đã cùng ông đi biểu diễn ở rất nhiều nơi và giành nhiều giải thưởng lớn, nhỏ cũng như nhận được sự yêu mến của nhiều người. Bên cạnh đó, ông còn giúp các thôn, xóm trong xã dàn dựng nhiều tiết mục văn nghệ để biểu diễn trong các dịp lễ, Tết.
Anh Đàm Trọng Hà ở thôn Yên Phú, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết sình ca là các tiết mục không thể thiếu mỗi dịp thôn tổ chức văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Vào mỗi dịp này, ông Dừn đều qua giúp đỡ đội văn nghệ trong thôn tập hát sình ca. Tình yêu sình ca của ông Dừn đã lan sang mọi người. Chưa bao giờ phong trào văn hóa văn nghệ trong xã phát triển mạnh như hiện nay, đặc biệt là hát sình ca. Thôn nào tổ chức văn nghệ cũng có hát sình ca...
Ông Dừn cho biết ông may mắn hơn người khác vì có sự chia sẻ và động viên của vợ con trong việc bảo tồn làn điệu sình ca. Gia đình ông thuần nông, cuộc sống trông vào ruộng, nương và chăn nuôi nhưng tất cả những việc đó đều do vợ con ông chăm lo, để ông có thể chuyên tâm vào sưu tầm, sáng tác sình ca và nghiên cứu những cuốn sách cổ về văn hóa của dân tộc Cao Lan.
Ông gìn giữ những làn điệu sình ca bằng tình yêu và nhiệt huyết không phải vì kinh tế hay hư danh. Những cuốn sách cổ ông đang giữ thi thoảng lại có người ở dưới Hà Nội lên hỏi mua, nhưng ông không bán.
Trong ngôi nhà sàn truyền thống, ông Dừn chọn một góc trang trọng để kê những tập sách cổ viết về sình ca và văn hóa truyền thống của người Cao Lan. Hiện nay, ông gìn giữ được 17 bộ sách cổ về văn hóa dân tộc Cao Lan và 8 bộ sách cổ về sình ca, một số quyển có từ hơn 500 năm trước. Hàng ngày ông dịch những cuốn sách cổ đó từ tiếng Hán sang tiếng phổ thông để truyền dạy cho mọi người.
Bà Trần Thị Núi - vợ ông Dừn chia sẻ thấy ông đam mê sình ca, mọi người trong gia đình cũng đam mê theo. Có những hôm ông đi cả ngày để chép lại một cuốn sách cổ, vì đó là sách quý, nên người ta không cho mượn mang về mà phải chép tại đó. Rồi những hôm ông thức khuya dịch sách, bà nhắc nhở, ông bảo "phải tranh thủ lúc còn khỏe để góp công sức bảo tồn văn hóa của dân tộc."
Ông am hiểu chữ nho và các nghi lễ truyền thống của dân tộc Cao Lan nên thi thoảng ông lại đi giúp các gia đình trong thôn, trong xã làm lễ, vừa làm phúc vừa kiếm thêm chút tiền mua chiếc tủ giữ sách và có thêm tiền tàu xe thỉnh thoảng cùng đội văn nghệ đi biểu diễn.
Năm nay đã gần 70 tuổi, ông Dừn chỉ mong muốn truyền dạy được nhiều hơn nữa những làn điệu sình ca cho cộng đồng người Cao Lan, để nét văn hóa này không bị mai một. Đội văn nghệ hát sình ca do ông thành lập nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp, các ngành để có thể duy trì và phát triển trong thời gian tới.
Bỏ lại sau lưng nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền hàng ngày, ông Dừn vẫn miệt mài dịch sách, dàn dựng các tiết mục sình ca, không mong muốn hư danh cho bản thân, chỉ mong muốn bản sắc văn hóa của dân tộc Cao Lan không bị mai một, không bị lãng quên./.