Orhan Pamuk đã viết nên rất nhiều câu chuyện kỳ lạ, sự kinh ngạc hẳn đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc ông được nhận giải thưởng Nobel Văn chương với lịch sử tiểu họa đạo Hồi (''Tên tôi là Đỏ''); câu chuyện đầy màu sắc phi lý ở thành phố Kars heo hút (''Tuyết'') hay cuộc tìm kiếm miệt mài một cuốn sách (''Cuốn sách đen'').
Ở ''Bảo tàng Ngây thơ,'' thêm một lần nữa Pamuk biết cách kể câu chuyện tình yêu theo cách thức đặc biệt, một tình yêu buồn bã nhưng không hề bi lụy, sự chờ đợi dài dặc được miêu tả hay đến nỗi ta bỗng thấy như thể đợi chờ là điều thú vị và cần thiết, một trải nghiệm không nên bị coi là đáng sợ đến vậy.
Kemal chuẩn bị lấy Sibel, một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ Tây học hết sức văn minh và hấp dẫn, nhưng cuộc tình tưởng chừng sẽ chỉ chóng vánh giữa anh và Füsun ào tới như một cơn lốc, dần dà chiếm lĩnh toàn bộ cuộc đời anh.
Kết quả là một cuộc trưng bày hết sức đặc biệt những thứ từng chứng kiến câu chuyện của Kemal, và cho đến cuối cùng, với nhân vật chính, cuộc đời tưởng chừng đau khổ lại đáng được coi là hạnh phúc.
Đặc biệt, thêm một lần nữa, Orhan Pamuk rất biết cách biến thành phố Istanbul quê hương ông trở thành bối cảnh cho một câu chuyện xuất sắc và cảm động./.