Bảo tàng Hà Nội trưng bày hơn 100 hiện vật, tài liệu về hình tượng Rồng

Bảo tàng Hà Nội tổ chức khai mạc hai trưng bày “Năm Thìn kể chuyện Rồng” và “Phong vị Tết xưa Hà Nội” để chào đón năm mới Giáp Thìn-2024.

Đầu rồng bằng đất nung, hiện vật từ chùa Báo Ân, Gia Lâm, thế kỷ 11-12. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Đầu rồng bằng đất nung, hiện vật từ chùa Báo Ân, Gia Lâm, thế kỷ 11-12. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 1/2, Bảo tàng Hà Nội tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024.

Điểm nhấn là trưng bày chuyên đề “Năm Thìn kể chuyện Rồng” giới thiệu hơn 100 tài liệu, hiện vật trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hà Nội và các sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công đặc sắc.

Nội dung trưng bày gồm 3 chủ đề: Hình tượng Rồng trên kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng; hình tượng Rồng trong đời sống sinh hoạt; hình tượng Rồng trong đời sống đương đại.

Đáng chú ý, Bảo tàng Hà Nội dùng công nghệ trình chiếu hiện đại khiến biểu tượng Rồng qua các triều đại Việt Nam trở nên sống động hơn, tạo hiệu ứng thị giác hấp dẫn đối với người xem.

vnp_rong.jpg
Hình tượng Rồng được trình chiếu bằng công nghệ 3D mapping. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Song song với trưng bày hình tượng Rồng, Bảo tàng Hà Nội khai mạc trưng bày chuyên đề “Phong vị Tết xưa Hà Nội” nhằm gợi lại các phong tục tốt đẹp của Tết cổ truyền dân tộc. Không gian trưng bày chia thành nhiều nội dung gồm: Bánh chưng; Tục dựng cây nêu; Tục chơi câu đối, chơi tranh, xin chữ ngày Tết; Thú chơi cây cảnh ngày Tết; Pháo Tết; Chợ Tết (xưa và nay).

Ngay sau lễ khai mạc, Bảo tàng Hà Nội tổ chức tọa đàm về phong tục Tết xưa của người dân Hà Nội và tục lệ chúc Tết truyền thống.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đính cho hay Tết cổ truyền diễn ra trong 3 ngày, nhưng để có được 3 ngày đó, mọi người đã chuẩn bị chu đáo từ tháng Chạp.

vnp_rong7.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đính (trái) và Tiến sỹ Trần Đoàn Lâm (giữa) chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Theo ông Đính, hành trình chuẩn bị Tết gồm rất nhiều việc, tất cả đều phải tỉ mỉ, chu đáo, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực và lao động tích cực của các thành viên trong gia đình.

“Ngày Tết tập trung vào sự ăn uống nên các cụ mới gọi là ‘ăn Tết.’ Tết được coi là biểu tượng cho sự ấm no đủ đầy. Một số món ăn chỉ ngày Tết mới có, như bánh chưng, thịt đông… Nồi bánh chưng gần như là tâm điểm của ngày Tết với gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn,” ông Bùi Xuân Đính chia sẻ.

Còn theo Tiến sỹ Trần Đoàn Lâm, Tết là một quá trình đổi mới, vì theo tư tưởng phương Đông - “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” - Tết là thời gian chuyển mình từ mùa này sang mùa khác, từ năm mới sang năm cũ. Thời điểm này, mọi người có xu hướng kiểm điểm những gì đã làm trong năm qua và thể hiện những ước vọng trong năm mới.

“Chính những ước vọng đó là động lực để người ta sống và làm việc. Tục lệ chúc Tết cũng là chúc nhau đạt được những ước vọng, để cuộc sống luôn phát triển theo hướng tích cực,” ông Trần Đoàn Lâm nói./.

Trong khuôn khổ các hoạt động mừng Xuân, Ban Tổ chức khuyến khích khách tham quan chia sẻ hình ảnh đẹp chụp tại Bảo tàng Hà Nội theo chủ đề "Khoảnh khắc mùa Xuân." Thời gian nhận ảnh kéo dài từ ngày 27/1-27/2. Lễ trao giải thưởng sẽ diễn ra vào ngày 8/3.

Một số hình ảnh trong trưng bày:

vnp_rong5.jpg
Trưng bày có nhiều hiện vật khai quật tại Thăng Long-Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
vnp_rong4.jpg
Hình tượng Rồng có những đường nét vân mây của Rồng thời Trần, sản phẩm của nhà thiết kế Trần Hoàn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
vnp_rong3.jpg
Sản phẩm trong bộ sưu tập "Họa Long" của nghệ nhân trẻ Nam Chi. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
vnp_rong2.jpg
Đỉnh gốm men trắng vẽ lam đắp nổi hình Rồng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
vnp_rong1.jpg
Trưng bày “Năm Thìn kể chuyện Rồng” giới thiệu hơn 100 tài liệu, hiện vật trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hà Nội và các sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công đặc sắc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
vnp_rong9.jpg
Không gian Tết truyền thống của người Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục