Bảo tàng Điện Biên Phủ: Nơi lưu giữ giá trị lịch sử "lừng lẫy năm châu"

Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ lưu giữ những hình ảnh chân thực về chiến thắng lừng lẫy thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn là địa chỉ đỏ thu hút du khách.

Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, thu hút đông đảo lượng du khách đến tham quan. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)
Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, thu hút đông đảo lượng du khách đến tham quan. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ nằm trên trục đường Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Đây là công trình văn hóa, lưu giữ hàng nghìn tài liệu, hiện vật gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."

Được xây dựng từ năm 2012, khánh thành và đi vào hoạt động năm 2014, dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng là công trình có kiến trúc hiện đại, hình dáng bên ngoài được thiết kế theo hình chiếc mũ nan phủ lưới ngụy trang của chiến sỹ Điện Biên năm xưa.

Khu vực trưng bày được bố trí ở tầng một của Bảo tàng, diện tích rộng 1.250m2, với gần 1.000 tài liệu, hiện vật, ảnh, bản đồ; được đánh giá là nơi trưng bày hiện đại, tiên tiến.

TTXVN_1403baotangDienbienphu2.jpg
Di tích đồi A1 thu hút rất đông lượng du khách đến tham quan. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Điểm nhấn của Bảo tàng là bức tranh toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, bức tranh lớn nhất Đông Nam Á và là một trong ba bức tranh lớn nhất thế giới.

Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan, có chiều cao 20,5m, chiều dài 132m, đường kính 42m.

Trên bức tranh có 4.500 nhân vật cùng phong cảnh núi rừng, phần mái vòm liền kề thể hiện mây trời, phần dưới bức tranh được đặt các mẫu vật nối tiếp.

Bức tranh là kết quả lao động sáng tạo của tập thể gần 200 họa sỹ, cùng các kiến trúc sư, nhạc sỹ, chuyên gia kỹ thuật... dày công nghiên cứu từ các tư liệu lịch sử, thể hiện một cách trọn vẹn, liền mạch các trận đánh tiêu biểu của Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bên cạnh đó, bức tranh còn là sự kết hợp khéo léo của nghệ thuật sắp đặt, trưng bày các hiện vật, tạo hình, điêu khắc... được xâu chuỗi kết nối liền mạch giữa phần tranh tường với phần chân tranh theo diễn biến của trận đánh, tạo cho người xem một góc nhìn đầy đủ, trực quan, sinh động, bố cục theo 4 trường đoạn gồm: “Toàn dân ra trận,” “Khúc dạo đầu hùng tráng,” “Cuộc đối đầu lịch sử” và “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng” kết hợp với âm nhạc hùng tráng.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), hướng tới khai mạc Năm Du lịch Quốc gia- Điện Biên 2024, những ngày này, tỉnh Điện Biên đã chào đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Một trong những “địa chỉ đỏ” mà du khách không thể bỏ qua khi đến với vùng đất lịch sử này là Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Em Hoàng Vân Anh, sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Hải Phòng cho biết qua môn học Lịch sử, em đã được đọc và nghe nhiều về những trận đánh ác liệt của quân và dân ta trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Hôm nay, được tận mắt xem bức tranh toàn cảnh, tái hiện một cách sinh động, trọn vẹn, liền mạch các trận đánh tiêu biểu theo diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ, em tưởng tượng như mình được sống trong không khí hào hùng của cha ông ngày trước. Em cảm nhận sâu sắc hơn về chiến thắng vang dội của thế hệ đi trước, càng thấu hiểu hơn những mất mát, hy sinh của ông cha để chúng em có cuộc sống hòa bình hôm nay.

Trực tiếp ngắm nhìn những hiện vật lịch sử, được nghe nhiều câu chuyện trong trận chiến năm xưa, du khách ai nấy đều bồi hồi, xúc động. Anh Huỳnh Minh Nhật đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đến với Điện Biên, được đi thăm các điểm di tích lịch sử, được nghe, được thấy toàn bộ những trận đánh ác liệt của các chiến sĩ trên chiến trường năm xưa, anh rất cảm động, tự hào về thế hệ cha anh đi trước. Họ đã sống và chiến đấu, hy sinh tuổi thanh xuân của mình để giành lại non sông đất nước để thế hệ hôm nay được sống trong thanh bình.

Không chỉ sưu tầm, lưu giữ, phát huy giá trị tài liệu hiện vật, đội ngũ hướng dẫn viên tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ luôn đổi mới tư duy, hoạt động nghiệp vụ, nâng cao chất lượng công tác phục vụ theo hướng chuyên nghiệp, thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế.

Chị Lương Thị Hồng Lưỡng, hướng dẫn viên tại Bảo tàng, chia sẻ chị cảm thấy rất tự hào khi được đứng trước du khách để truyền tải những giá trị lịch sử của Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cũng như quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người tỉnh Điện Biên. Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chị Lưỡng cùng các đồng nghiệp ở Bảo tàng đã được tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, kỹ năng nắm bắt tâm lý du khách để phục vụ tốt nhu cầu tham quan, nghiên cứu học tập của du khách khi đến với địa chỉ này.

Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, cho biết nhằm phục vụ chu đáo du khách khi đến tham quan, đơn vị đã huy động tất cả nguồn nhân lực, sẵn sàng tăng ca, tăng giờ để đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách.

Ngoài công tác chuyên môn, nhiệm vụ sưu tầm, kiểm kê, bảo quản các hiện vật chiến tranh cũng được Bảo tàng tiến hành đồng thời để bổ sung những tài liệu, hiện vật, những câu chuyện sinh động; từ đó, hướng dẫn viên, thuyết minh viên có thể xây dựng thành những câu chuyện để truyền tải đến du khách một cách tốt nhất, sinh động nhất.

Đây cũng là hoạt động hiệu quả, góp phần tuyên truyền về truyền thống chống giặc ngoại xâm không chỉ đối với các thế hệ người Việt Nam mà cả với công chúng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ là kho tàng lưu giữ những hình ảnh chân thực, sống động về chiến thắng quan trọng nhất của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây còn là địa chỉ đỏ, điểm nhấn thu hút du khách trong nước và quốc tế khi đến với Điện Biên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục