Bảo tàng cổ nhất Việt Nam, nơi lưu giữ báu vật văn hóa Chăm

Hơn 100 năm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, Bảo tàng Chăm được xem là bảo tàng độc nhất vô nhị về nghệ thuật điêu khắc Chăm, là vốn di sản quý của dân tộc nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Các hiện vật được trưng bày trong kho mở tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm để phục vụ du khách tham quan tìm hiểu. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Cuối thế kỷ XIX, viên công sứ người Pháp ở tỉnh Quảng Nam là Charles Lemire đã tìm kiếm được khá nhiều di vật cổ của người Chăm sau những chuyến khảo cổ và đem nó về trưng bày ở Đà Nẵng.

Sau đó, Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tiến hành thêm nhiều đợt khai quật nữa ở quy mô lớn hơn nên số di vật cũng trở nên nhiều hơn, từ đó nảy sinh yêu cầu cần có một bảo tàng để trưng bày các hiện vật này.

Năm 1902, nhà khảo cổ nổi tiếng Henri Parmentier của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp đã đề xuất phương án thiết kế xây dựng một bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng.

Và kết quả là Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp khởi công xây dựng năm 1915 và hoàn thành vào năm 1919.

Tọa lạc trên một gò đất bên phía bờ Tây sông Hàn, nay gần ngay đầu phía Tây cầu Rồng. Bảo tàng được thiết kế theo phong cách pha trộn giữa nét cổ điển châu Âu với những đường nét của kiến trúc Chăm.

Ban đầu, Bảo tàng trưng bày 160 cổ vật điêu khắc Chăm do Henri Parmentier thu thập được từ thế kỷ XIX, về sau được bổ sung dần thêm từ nhiều nguồn khác.

Như vậy có thể nói, Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một trong những bảo tàng ra đời sớm nhất ở Việt Nam, sớm hơn cả Bảo tàng lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, vốn trước có tên là Bảo tàng Louis Finot do người Pháp xây dựng vào năm 1926.

Tòa nhà đầu tiên được xây dựng theo thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair, trên cơ sở gợi ý của Parmentier về việc sử dụng một số đường nét của kiến trúc Chăm.

[Đà Nẵng: Bảo tồn và phát huy giá trị Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ]

Tòa nhà bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là sự kết hợp cách trang trí đặc trưng của đền tháp Chăm - kỹ thuật chạm trổ trên đá - với các nguyên tắc truyền thống của kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX, tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh với các tác phẩm điêu khắc Chăm được trưng bày.

Trải qua nhiều lần mở rộng, Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm vẫn giữ được nét phong cách kiến trúc cổ kính, duyên dáng với những không gian trưng bày rất độc đáo.

Hơn 100 năm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, Bảo tàng Chăm được xem là bảo tàng độc nhất vô nhị về nghệ thuật điêu khắc Chăm, là vốn di sản quý của dân tộc nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Bảo tàng hiện đang lưu giữ khoảng 2.000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó gần 300 hiện vật hiện đang được phân chia trưng bày thành các không gian chủ đề khác nhau như khu trưng bày Trà Kiệu, Đồng Dương, Mỹ Sơn, Tháp Mẫm, Bình Định-Kon Tum, Phòng trưng bày Văn khắc, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên Huế, và Khu trưng bày mở rộng.

Các hiện vật trưng bày ở Bảo tàng đều thể hiện rõ nét đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng cũng như quan niệm, tư duy tạo hình trong kiến trúc, điêu khắc của người Chăm xưa. Bên cạnh đó, ở đây còn có những tác phẩm liên quan đến Ấn Độ giáo và một số chủ đề khác có nội dung gần gũi với cuộc sống.

Đến với Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng, du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng những tuyệt tác nguyên bản về nghệ thuật điêu khắc Chăm ở Việt Nam có niên đại từ nhiều thế kỷ trước.

Du khách sẽ hiểu được hơn về vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc thông qua các hiện vật được trưng bày nơi đây và hình dung ra một thời xưa cũ của nền văn hóa vương quốc Chămpa trong chiều dài lịch sử của Việt Nam.

Nổi bật như bộ sưu tập Trà Kiệu với phần lớn hiện vật được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ X-XI, có hiện vật được số đông các nhà nghiên cứu xác định vào thế kỷ V-VI. Đặc điểm nghệ thuật của hiện vật Trà Kiệu có nét chung là tính mềm mại, sống động, và cũng hết sức đa dạng về trang phục, trang sức, động tác.

Đặc biệt, ở đây hiện đang lưu giữ 3 bảo vật Quốc gia thuộc nền văn hóa Chăm là đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Mỹ Sơn E1 và tượng Bồ tát Tara. Đây là những báu vật có sức thu hút đặc biệt đối nhiều khách tham quan và giới nghiên cứu quốc tế.

Đài thờ Trà Kiệu (thế kỷ X) xứng đáng là một kiệt tác điêu khắc với hình ảnh mười một vũ nữ Apsara nhảy múa vô cùng mềm mại, uyển chuyển và gợi cảm. Đài thờ Trà Kiệu là hiện vật tiêu biểu cho sự tồn tại của một khu kinh thành và thờ tự của Chămpa, với 4 mặt trang trí thể hiện hoàn chỉnh một chủ đề trong thần thoại, tiêu biểu cho sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ và Đông Nam Á.

Đài thờ Mỹ Sơn E1 (thế kỷ VII-VIII) là một tác phẩm điêu khắc miêu tả một cách sống động và đầy tính nghệ thuật về các điệu múa mang tính tâm linh của Ấn Độ giáo. 

Khác với những chủ đề thường được chạm khắc chung quanh các đài thờ về hình ảnh hoặc chuyện kể về các vị thần, Đài thờ Mỹ Sơn E1 lại có các bức chạm miêu tả nhiều cảnh sinh hoạt hàng ngày trong rừng của các tu sỹ Ấn Độ giáo một cách sống động, đầy tính nghệ thuật.

Nổi bật nhất có lẽ là tượng Bồ tát Tara (thế kỷ IX-X) làm bằng đồng thể hiện hoá thân nữ của Bồ tát Avalokitesvara dưới tên gọi Tara. Đây là tác phẩm bằng chất liệu đồng duy nhất ở Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm. 

Tượng được trưng bày ở phòng Đồng Dương mang vẻ đẹp vô cùng quyến rũ. Bồ tát được thể hiện đứng thẳng, hai tay đưa ra phía trước, tay trái cầm tù và ốc, tay phải cầm hoa sen nở, bên trong có gương sen. Bồ tát có miệng rộng, môi dày, vành môi sắc nét, mũi cao, hai cánh mũi rộng, đôi mắt lớn hình hạnh nhân bên trong có đồng tử được khảm bằng một loại đá quý.

Đến với Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng du khách sẽ được sống lại với một thế giới tâm linh đầy huyền bí của người Chăm xưa qua những di vật mang đậm dấu ấn lịch sử của một thời quá vãng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục