Bảo tàng báo chí Việt Nam: Nơi ghi dấu ký ức về lịch sử dân tộc

Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật về lịch sử báo chí mà còn là nơi ghi dấu những ký ức về lịch sử dân tộc, đời sống xã hội nói chung.
Hiện nay, có hơn 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản tại kho cơ sở của bảo tàng. (Ảnh: P. Mai/Vietnam+)

Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức khai trương hệ thống trưng bày thường xuyên và đón khách tham quan từ ngày 19/6. Bảo tàng được đặt trong khuôn viên Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

“Chúng tôi hy vọng, đây không chỉ là nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật về lịch sử báo chí mà còn là nơi ghi dấu những ký ức về lịch sử dân tộc, đời sống xã hội nói chung,” bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam bày tỏ.

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Kim Hoa về quá trình xây dựng, đưa vào hoạt động bảo tàng báo chí đầu tiên trong cả nước.

Điểm hẹn của công chúng báo chí

Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam xuất phát từ ý tưởng gì, thưa bà?

Bà Trần Thị Kim Hoa: Ngày 15/4/1865, Gia Định báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra mắt tại Sài Gòn, đánh dấu sự ra đời của báo chí Việt Nam. Tiếp đó, vào ngày 21/6/1925, Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu Trung Quốc) xuất bản số đầu tiên, mở đầu dòng báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ đó đến nay, trong suốt quá trình hình thành phát triển, báo chí Việt Nam luôn đồng hành cùng lịch sử đất nước, là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

[Báo chí cần thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới]

Xuất phát từ ý tưởng, tâm huyết gìn giữ, tôn vinh và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ngày 21/8/2014, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Bảo tàng Báo chí Việt Nam được xác định là bảo tàng chuyên ngành do Hội Nhà báo Việt  Nam quản lý, bổ sung vào Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020.

Khoảng thời gian từ tháng 8/2014 đến tháng 7/2017 là thời kỳ ban quản lý các dự án thành phần nỗ lực triển khai các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng các bộ sưu tập hiện vật, tài liệu về báo chí và bước đầu xác lập kho cơ sở, hình thành bộ máy nhân sự để đáp ứng điều kiện thành lập bảo tàng theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.

Đến ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Theo quyết định của Thủ tướng, Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các di sản văn hóa phản ánh tiến trình hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam. Bên cạnh đó, bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa báo chí Việt Nam.

Sáng 4/6, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Hà Nội), Thông tấn xã Việt Nam tổ chức Lễ bàn giao 14 hiện vật và những bức ảnh lịch sử giàu ý nghĩa về báo chí cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Hệ thống tài liệu, hiện vật tại bảo tàng sẽ được trưng bày thế nào?

Bà Trần Thị Kim Hoa: Từ khi được thành lập đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 ngày triển khai các dự án thành phần. Hiện nay, có hơn 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản tại kho cơ sở của bảo tàng; trong đó, có hơn 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt để phục vụ trưng bày thường xuyên.

Cụ thể, nội dung trưng bày bao gồm năm phần: “Phần 1: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925,” “Phần 2: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945,” “Phần 3: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954,” “Phần 4: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975” và “Phần 5: Báo chí Việt Nam giai đoạn từ 1975 đến nay.”

Các không gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 1.500m2 và được khai thác triệt để trên các diện tích trưng bày khác nhau: trưng bày bằng giải pháp đồ họa trên đai vách, bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay... Ngoài ra, bảo tàng cũng áp dụng các giải pháp công nghệ phát thanh, truyền hình, số hóa để phục vụ nhu cầu tham quan của công chúng.

Chúng tôi hy vọng đây không chỉ là bảo tàng của những người làm báo mà còn là điểm hẹn của công chúng báo chí cả nước. Qua đó, công chúng sẽ thấy được câu chuyện làm nghề của những thế hệ người làm báo Việt Nam. Họ đã dấn thân, không tiếc máu xương để viết nên những trang vàng.

Theo bà, điểm nhấn để tạo nên sự khác biệt trong không gian trưng bày của bảo tàng là gì?

Bà Trần Thị Kim Hoa: Một số điểm nhấn đặc biệt là hình tượng bút sen ở gian khánh tiết hay bục kim cương ở gian trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925…

Nghề báo, những người làm báo thường được hình dung gắn liền với hình ảnh cây bút. Hình tượng cây bút trên cánh sen mang hàm ý tôn vinh nhân cách, đạo đức trong sáng của nghề báo và những người làm báo.

Báo chí Việt Nam ra đời trên cơ sở học tập, kế thừa những thành tựu của báo chí thế giới. Do vậy, bục kim cương ở gian trưng bày các tài liệu, hiện vật về giai đoạn 1865-1925 (giai đoạn khởi thủy của báo chí Việt Nam) giới thiệu hình ảnh những tờ báo cổ nhất trên thế giới, trong khu vực và ở Việt Nam…

Đặc biệt, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn,” bảo tàng có khu vực tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và nhân dân, vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Bảo tàng lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam. (Ảnh: P. Mai/Vietnam+)

Giảng đường thứ hai

Trong quá trình triển khai đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bà và các cộng sự gặp những khó khăn gì?

Bà Trần Thị Kim Hoa: Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là về mặt con người. Nhân lực của chúng tôi rất mỏng. Số lượng người ít nhưng khối lượng công việc lại rất lớn. Hơn nữa, bản thân tôi vốn là một nhà báo, không phải người làm bảo tàng. Khi được cử sang lĩnh vực này, tôi đã khá bỡ ngỡ. Chúng tôi đã phải cùng nhau mày mò từng bước.

Ngoài ra, một khó khăn rất lớn khác là không có hiện vật. Người ta thường bảo muốn làm bảo tàng ấn tượng thì phải có “xe to, súng lớn, hiện vật đắt tiền.” Thế nhưng, chúng tôi không có, thay vào đó là những tờ báo cũ, ố màu thời gian. Chúng tôi nỗ lực làm sống dậy những ký ức, vẻ đẹp xưa cũ.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của Hội Nhà báo Việt Nam và nhiều cơ quan, đoàn thể khác cùng các nhà báo lãnh thành, các nhà sưu tập tư liệu. Họ đã chủ động liên hệ để hiến tặng nhiều tư liệu quý cho bảo tàng.

Bà Trần Thị Kim Hoa,Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết bảo tàng chính thức khai trương hệ thống trưng bày thường xuyên và đón khách tham quan từ ngày 19/6. (Ảnh: P. Mai/Vietnam+)

Trong quá trình sưu tầm tư liệu cho bảo tàng, xin bà chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt?

Bà Trần Thị Kim Hoa: Việc sưu tầm những số báo Gia Định đầu tiên, các hiện vật, tài liệu liên quan đến báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925 gặp rất nhiều khó khăn bởi thời gian đã lùi khá xa, lịch sử xã hội trải qua nhiều biến động.

Khi tìm đọc cuốn lịch sử báo chí của tiến sỹ Huỳnh Văn Tòng, tôi đã rất mừng khi bắt gặp thông tin ông viết, đại ý rằng trong quá trình tìm kiếm tư liệu, ông phát hiện ra ở thư viện của Trường Ngôn ngữ và Văn minh Paris (Pháp) có lưu trữ những số báo Gia Định ra đời sớm nhất.

Sau đó, tôi cử cán bộ của bảo tàng liên hệ với phía thư viện. Kết quả thật bất ngờ, họ cung cấp cho chúng tôi hơn 30 hình ảnh scan của những tài liệu về báo chí Việt Nam giai đoạn khởi thủy; trong số đó có bản scan của tờ Gia định báo (số 4, phát hành ngày 15/7/1865).

Họ thông báo rằng bản gốc tờ báo đang được bảo quản ở điều kiện đặc biệt, nếu lấy ra scan có thể gây ảnh hưởng đến hiện vật. Bởi vậy, họ đã cung cấp bản scan được thực hiện từ năm 1958. Điều này cho thấy sự cẩn trọng trong quá trình lưu trữ, bảo quản tài liệu của phía thư viện.

Trong thời gian tới, bảo tàng có kế hoạch gì để thu hút khách tham quan, thưa bà?

Bà Trần Thị Kim Hoa: Trước mắt, chúng tôi đang dồn sức, tập trung hoàn thiện nội dung trưng bày thường xuyên và nghiên cứu, phân loại, bảo quản tài liệu, hiện vật.

Ngày 15/6 vừa qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã ký bản thỏa thuận hợp tác chiến lược với hai cơ sở đào tạo báo chí lớn là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Nội dung ký kết tập trung vào việc đào tạo và trao đổi học thuật cũng như thực tiễn hoạt động nghiệp vụ báo chí, hỗ trợ lẫn nhau về giảng dạy… Nói khác đi, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ là giảng đường thứ hai với những sinh viên, học viên báo chí.

Ngoài ra, về đường dài, có thể, chúng tôi sẽ tính đến phương án liên kết với các đơn vị lữ hành để thu hút khách du lịch.

Trân trọng cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục