Bão số 9: Phó Thủ tướng nhấn mạnh 'thời gian vàng' để sơ tán người dân

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh "Từ giờ cho đến 2 giờ sáng 28/10 là 'thời gian vàng' để các địa phương tiếp tục các biện pháp phòng tránh và sơ tán dân."
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp tại Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 (đặt tại thành phố Đà Nẵng). (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Tối 27/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp chỉ huy công tác phòng, chống cơn bão số 9 tại Sở chỉ huy tiền phương chống bão (thành phố Đà Nẵng).

Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn tất công tác sơ tán dân từ nơi nguy hiểm đến nơi an toàn. "Từ giờ cho đến 2 giờ sáng 28/10 là 'thời gian vàng' để các địa phương tiếp tục các biện pháp phòng tránh và sơ tán dân. Tôi yêu cầu Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các địa phương phải thức trắng cả đêm nay để chỉ đạo. Từ 4 giờ sáng mai trở đi thì gió mạnh, giữa buổi sáng gió mạnh nhất, có thể lên tới cấp 14, 15. Nên từ khi bão vào, đến 1, 2 giờ chiều mai thì không có cách nào ra đường ứng cứu người dân được," Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải kiểm tra kỹ, đảm bảo an toàn tuyệt đối tại các công trình tránh trú bão tập trung, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người trong cơn bão số 9.

“Khi đưa người dân vào công trình tránh trú bão tập trung, thì công trình đó vừa phải vững chãi về kết cấu, có khả năng chịu lực, vừa đảm bảo các bộ phận cửa đi, cửa sổ, cửa kính cũng phải an toàn. Các công trình phải an toàn đảm bảo tương xứng với tính chất, cường độ của cơn bão cấp 11, 12, giật cấp 13, 14. Các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra lại tất cả các công trình di dân xem có an toàn không, có đầy đủ chăn gối không, có chốt kín được các cửa không? Nhiều lần chống bão, tôi quan sát thì có nhiều nhà cấp 4 bị bay mái vì gió thốc từ cửa vào trong nhà,” Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

[Bão số 9: 'Nhiệm vụ số một là bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân']

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, lãnh đạo các địa phương vào cuộc rất quyết liệt nhưng kinh nghiệm của mỗi địa phương với bão lũ khác nhau nên vẫn cần tập trung, cẩn trọng hơn.

Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở khi đến thời điểm này vẫn còn một số tàu thuyền ở các địa phương vẫn chưa vào nơi tránh trú bão an toàn; hoặc vào nơi tránh trú rồi, nhưng chưa có biện pháp neo đậu an toàn, chống va đập nên vẫn có nguy cơ bị đắm ngay tại nơi neo đậu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương phải kiểm tra chặt chẽ người dân trên các lồng bè nuôi thủy hải sản, tránh khả năng họ lo sợ mất tài sản mà ở lại lồng bè.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, dự đoán bão sẽ đổ bộ vào đất liền vào sáng sớm ngày 28/10 và "quần thảo" cho đến chiều 28/10. Cường độ bão đổ bộ vào đất liền ở cấp 11, 12 và giật đến cấp 13,14, trung tâm bão vẫn là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ông Cường nhận định, cơn bão này sẽ cực kỳ nguy hiểm bởi thời gian "quần thảo" trên đất liền dài và diện tích rất rộng.

Sau một ngày bình yên trước bão, đến khoảng 20 giờ ngày 27/10, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu có gió mạnh và mưa to.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu tất cả người dân ở nhà, không đi ra đường từ 20 giờ tối cho tới khi có thông báo mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục