Bão số 9: Kon Tum kịp thời di dời hàng trăm hộ dân khỏi vùng nguy hiểm

Do ảnh hưởng của bão số 9, tính đến 15 giờ ngày 28/10, tỉnh Kon Tum có mưa lớn, nhiều nơi xảy ra tình trạng ngập lụt, phải sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Hàng trăm hộ dân tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei phải di dời do mực nước dâng cao. (Ảnh: TTXVN phát)
Hàng trăm hộ dân tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei phải di dời do mực nước dâng cao. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, do ảnh hưởng của bão số 9, tính đến 15 giờ ngày 28/10, tỉnh Kon Tum có mưa lớn, nhiều nơi xảy ra tình trạng ngập lụt, phải sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Tuy nhiên, mực nước trên các con sông, suối chính vẫn đang dâng cao, gây nguy hiểm cho người dân.

Theo đó, huyện Kon Plông đã di dời 47 hộ dân tại các điểm dân cư bị sạt lở đến nơi an toàn. Huyện Đăk Glei di dời một điểm tái định cư thôn Kon Năng với 37 hộ (105 nhân khẩu).

Huyện Tu Mơ Rông di dời 15 hộ dân dưới hạ lưu đập Thủy điện Đăk Trang. Huyện Kon Rẫy di dời với 120 hộ (673 nhân khẩu) ở xã Đăk Ruồng và hai hộ dân tại thôn 1, xã Tân Lập nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn.

Đặc biệt, tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, tình trạng ngập lụt đang diễn ra nghiêm trọng.

[Kon Tum: Mưa lớn gây trôi cầu sắt, chia cắt khoảng 500 hộ dân]

Theo ông Phạm Khắc Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đăk Pek, hiện mực nước đang dâng cao và chưa có dấu hiệu giảm. 11 thôn, làng của xã đã bị ngập lụt. Khoảng 50% trong tổng số 2.400 hộ của xã đã bị cô lập, không thể di chuyển, chính quyền địa phương đã di dời, sơ tán được khoảng 100 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm nên chưa xảy ra thiệt hại về người. Tuy nhiên, nếu tình trạng ngập lụt không giảm xuống, nguy cơ xảy ra thiệt hại ngay trong đêm 28/10 là rất lớn.

Ông Rơ Châm Định, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Glei cho biết chính quyền địa phương đang phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân xã Đăk Pek để đưa người dân trong vùng ngập lụt đến nơi an toàn, trước khi trời tối.

Bên cạnh đó, mưa bão khiến hàng chục căn nhà bị tốc mái. Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ bị chia cắt, gây ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông. Hàng trăm ha cây trồng bị ngập, đổ gãy.

Trước ảnh hưởng bão số 9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, bão nhằm ổn định đời sống, sinh hoạt cho nhân dân; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, triển khai công tác phòng, chống mưa, bão trên địa bàn theo các phương án đã phê duyệt; duy trì chế độ trực phòng, chống thiên tai và báo cáo theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục