Bão số 9: Đà Nẵng khẩn trương sơ tán người dân tại nơi nguy cơ cao

Đối tượng sơ tán là người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiến cố, nhà tạm, khu vực trũng, ngập úng.Nguyên tắc sơ tán là ưu tiên sơ tán tại chỗ, đến các nhà kiên cố, an toàn.
Người dân khẩn trương thu dọn đồ đạc, chuyển đến nơi an toàn để tránh bão số 9. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Ngày 27/10, các quận huyện, xã phường trong thành phố Đà Nẵng đồng loạt sơ tán, di dời người dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi trú ẩn an toàn để ứng phó với bão số 9.

Sáng cùng ngày, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh do biết, thành phố dự kiến sơ tán 12.067 hộ dân với 52.180 nhân khẩu. Công tác sơ tán tại các địa phương sẽ hoàn thành trong chiều 27/10.

Đối tượng sơ tán là người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiến cố, nhà tạm, khu vực trũng, ngập úng.

Nguyên tắc sơ tán là ưu tiên sơ tán tại chỗ, đến các nhà kiên cố, an toàn, gần nhất trong khu vực; sơ tán dân tập trung đến các địa điểm đã được quận, huyện lựa chọn và được Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng thẩm định.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, chiều 27/10, công tác sơ tán chống bão diễn ra rất khẩn trương tại tổ dân phố 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Đây là khu vực thuộc diện nguy hiểm, trũng thấp, sát bờ sông Cẩm Lệ, có 90 hộ với 361 nhân khẩu đang sinh sống.

[Đà Nẵng khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà từ 20 giờ ngày 27/10]

Đã ở khu vực này hơn 70 năm, ông Nguyễn Phan Vinh (Tổ trưởng tổ dân phố 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) nhớ lại trận lụt năm 1964, nhà ông ngập gần hết và phải leo lên chóp mái để tránh nước lụt.

Ứng phó với bão số 9, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, kêu gọi sơ tán nên ông cảm thấy rất yên tâm. Vừa khẩn trương dọn dẹp đồ đạc cho người thân sơ tán, ông Nguyễn Phan Vinh vừa cùng với đoàn công tác của phường Hòa Xuân đi kêu gọi các hộ gia đình khác trong tổ khẩn trương sơ tán.

Ông Vinh cho biết, đây là khu vực trũng thấp nhất của quận Cẩm Lệ, nên mỗi khi có mưa bão người dân đều phải sơ tán, nhất là cơn bão số 9 này được đánh giá là rất nguy hiểm. Các nhà ở khu vực này đều đã được xây dựng hơn 10 năm nay, phần lớn là nhà cấp 4, mái tôn, nên không an toàn khi trời mưa bão.

Khi được lực lượng chức năng vận động sơ tán, bà Phan Thị Trinh (tổ dân phố 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) đã chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, vật dụng thiết yếu để đi tránh bão.

Bà Trinh chia sẻ: “Tôi già yếu, ông chồng thì bị khuyết tật, nên rất cảm ơn lực lượng chức năng của phường tới hỗ trợ sơ tán về nơi tập trung của phường. Từ hôm qua, khi nghe tin bão số 9, chúng tôi rất lo sợ nhưng chưa biết nhờ ai.”

Trực tiếp chỉ đạo tổ công tác sơ tán, di dời người dân trước bão số 9, bà Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng cho biết, ngoài tổ 89, trên địa bàn phường còn 313 hộ dân đang ở nhà cấp 4, tất cả các hộ dân này đã cam kết là tạm thời di dời đến nhà người thân, nhà hàng xóm kiên cố trước 15 giờ ngày 27/10.

“Sau khi có chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và quận Cẩm Lệ, chúng tôi đã họp bàn triển khai ngay công tác di dân để ứng phó với bão số 9, một cơn bão được dự đoán rất mạnh và nguy hiểm. Lực lượng chức năng của phường gồm công an, dân quân, bảo vệ dân phố đã đi tuyên truyền, vận động các hộ dân từ 9 giờ ngày 27/10. Tới 14 giờ ngày 27/10, lực lượng tiếp tục đi kiểm tra, nếu hộ dân nào cần giúp đỡ sơ tán sẽ hỗ trợ, nếu hộ dân nào không chịu sơ tán sẽ bị cưỡng chế. Những hộ dân không có nơi tránh trú an toàn sẽ được đưa về điểm tránh trú bão tập trung của phường Hòa Xuân tại khu nhà đa năng của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thiện Thuật,” bà Hồ Thị Cẩm Nhung nói.

Đến 17 giờ ngày 27/10, tại thành phố Đà Nẵng vẫn chưa có mưa, nhưng đã xuất hiện gió lớn; những hộ dân cuối cùng trong diện nguy hiểm đang được khẩn trương sơ tán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục