Sau khi bão số 9 đi qua, các địa phương đang tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm khắc phục hậu quả, đặc biệt là việc đảm bảo giao thông thông suốt và khắc phục các sự cố về lưới điện.
Cam kết chậm nhất trong 4 ngày tới, toàn tỉnh Quảng Ngãi có điện lại
Tại buổi làm việc giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai với tỉnh Quảng Ngãi diễn ra vào ngày 29/10, ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN đang dốc toàn lực khắc phục sự cố về lưới điện do bão số 9 gây ra tại địa phương Quảng Ngãi và sẽ cấp điện trở lại cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Ông Nhân cho biết thêm, ngay trong đêm 28/10, sau khi bão đi qua, EVN đã nhanh chóng cấp điện lại cho cơ quan làm việc của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
[Bão số 9 gây mất điện khoảng 7.500 trạm biến áp ở miền Trung]
Trong ngày 29/10, EVN đã huy động thêm 450 người trong đó có 300 người của Công ty Điện lực Quảng Ngãi và 150 người của các đơn vị thi công, xây lắp điện trên địa bàn tỉnh kết hợp với lực lượng được điều động từ các Công ty Điện lực Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hòa về để tiếp tục triển khai công tác này.
"Chúng tôi luôn đặt lên trên hết sự an toàn tính mạng của nhân dân và của công nhân ngành điện trong quá trình thi công trên lưới điện. Chậm nhất trong 4 ngày tới, toàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ có điện trở lại,” ông Nhân nhấn mạnh.
Theo thống kê của Công ty Điện lực Quảng Ngãi, bão số 9 đã làm 199 cột trung áp và 104 cột hạ áp gãy đổ; 195 cột trung áp và 105 cột hạ áp bị nghiêng, 3 trạm biến áp bị hỏng, hơn 300 mét dây bị hỏng; có gần 362.500 hộ dân bị mất điện.
Quảng Trị: Tập trung xử lý bom, mìn phát lộ sau mưa lũ
Ngày 29/10, đại diện Đội xử lý bom mìn lưu động thuộc Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đang tập trung xử lý nhiều quả bom, mìn vừa được phát hiện sau đợt mưa lũ.
Theo đó, mưa lũ lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh đã làm xói lở đất đá, phát lộ nhiều loại bom đạn trên địa bàn huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa.
Thông qua nguồn tin từ người dân cung cấp, Đội xử lý bom mìn lưu động đã phát hiện 7 quả bom MK 82 cùng 9 quả đạn pháo 105mm.
Đây là loại bom có đường kính 274mm, chiều dài 1,54m, trọng lượng 227 kg, lượng thuốc nổ 87,10 kg. Trong số 7 quả bom MK 82 trên, Đội xử lý bom mìn lưu động đã di chuyển được 5 quả cùng với 9 quả đạn pháo 105 mm đến khu vực an toàn để hủy nổ. Đối với 2 quả bom MK82 còn lại, đơn vị đang tiếp tục tiếp cận, xử lý khi thời tiết thuận lợi hơn.
Cũng trong ngày 29/10, Đội xử lý bom mìn lưu động thuộc Dự án RENEW cho biết đã hủy nổ an toàn một quả bom MK82 nặng hơn 220kg được người dân phát hiện ở khu vực bờ biển bị sạt lở sau mưa lũ, cách khu dân cư khoảng 100m.
Trước đó, Đội xử lý bom mìn lưu động tiếp nhận thông tin từ người dân phát hiện quả bom ở khu vực bờ cát bị sạt lở ở thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Qua kiểm tra, Đội xác định đây là quả bom loại MK82 có chiều dài 1,54 m, nặng 227 kg chứa 87,1 kg thuốc nổ.
Do ngòi nổ quả bom đã bị hư hỏng, Đội xử lý bom mìn lưu động RENEW quyết định di dời quả bom đến bãi hủy nổ tập trung của dự án tại thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong để hủy nổ.
Dự án RENEW là chương trình hợp tác giữa chính quyền tỉnh Quảng Trị và các tổ chức phi chính phủ quốc tế nhằm nỗ lực giảm thiểu số người chết và bị thương do bom chùm cũng như các vật liệu chưa nổ khác còn sót lại từ sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đối tác chính hiện tại của Dự án RENEW là Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA)…
Kon Tum nỗ lực khơi thông các tuyến đường huyết mạch và xử lý sự cố điện
Mưa và lũ lớn đã khiến nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum bị hư hỏng, có nơi bị sạt lở nặng. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp và điều động nhân lực, máy móc đến khắc phục hậu quả, đảm bảo việc lưu thông thông suốt.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum Phan Mười cho biết, trong sáng 29/10, 4 điểm sạt lở nặng trên Quốc lộ 24, đoạn qua huyện Kon Plông đã được Sở Giao thông Vận tải tỉnh khắc phục xong và chính thức thông đường xuống tỉnh Quảng Ngãi vào lúc hơn 10 giờ cùng ngày.
Đến thời điểm hiện tại, tất cả các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh Kon Tum như Quốc lộ 24, 14C, 40 , 40B đều đã được thông suốt và đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông.
Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Kon Tum, đoạn đèo Lò Xo (xã Đăk Man, huyện Đăk Glei) vẫn chưa thể lưu thông do có 17 điểm sạt lở. Ngoài ra, các tuyến đường liên thôn, liên xã, đường đi khu sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng bị sạt lở hư hỏng, gây ách tắc.
Đặc biệt, tại các tuyến đường như Đường tỉnh 676, 677, 672, 678, Plei Krông… mưa lũ đã làm sạt lở hàng chục điểm, hàng trăm mét khối đất đá và cây cối đổ xuống mặt đường gây nứt nẻ; nước tràn qua mặt đường làm nhiều cầu, cống bị hư hỏng, cuốn trôi. Thiệt hại ban đầu được ước tính hơn 8 tỷ đồng.
Ngành Giao thông Vận tải đã phối hợp với Công an, huy động lực lượng, phương tiện máy móc, trước mắt, khẩn trương xây dựng cầu tạm để thay thế các cầu bị lũ cuốn trôi trên địa bàn các huyện: Kon Rẫy, Đăk Hà, Kon Plông, Ngọc Hồi..., đảm bảo lưu thông của người dân.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum cho biết, ảnh hưởng của bão số 9 đến việc cung cấp điện cho người dân rất lớn, gây mất điện ở nhiều nơi, với trên 69.400 hộ dân, chiếm 46,2% tổng khách hàng. Sau khi bão đi qua, Công ty đã bố trí phương tiện, lực lượng kiểm tra, khắc phục.
Đến nay, đã có trên 61.000 khách hàng được khôi phục lưới điện. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thể đóng điện trở lại, chủ yếu do các tuyến đường giao thông đang bị tê liệt, ách tắc.
Đến 15 giờ ngày 29/10, trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn 13 xã, thị trấn bị mất điện. Hiện, điện lực các địa phương đã nỗ lực, huy động lực lượng, gấp rút tìm kiếm và xử lý các vị trí xảy ra sự cố, đóng điện trở lại cho nhân dân.
Phú Yên sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân
Mặc dù bão số 9 không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Phú Yên, tuy nhiên hoàn lưu bão đã gây mưa to, gió giật mạnh khiến hàng trăm ngôi nhà bị sập hoăc hư hại. Ngay sau khi bão tan, các cấp chính quyền và người dân tập trung khắc phục sớm những thiệt hại về nhà ở, công trình, ổn định đời sống, sản xuất.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, bão đã gây mưa to và gió giật mạnh trong đêm 27 và ngày 28/10. Toàn tỉnh có 124 ngôi nhà bị sập, hư hỏng (thiệt hại nặng nhất là thị xã Sông Cầu với 84 nhà).
Mưa lớn cũng khiến gần 30ha thủy sản của người dân bị vỡ bờ, xói lở; 46 cột điện tại Phú Yên bị đổ, gẫy, gây mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Hữu Từ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân cho biết, ngay sau khi bão tan, địa phương đã huy động lực lượng cắt hàng ngàn cây xanh bị đổ chắn ngang tuyến đường (Phú Yên-Gia Lai) qua xã Xuân Quang 1, đảm bảo cho các phương tiện giao thông qua lại được an toàn.
Các lực lượng công an, dân phòng đã hỗ trợ người dân lợp lại mái, sữa chữa hư hỏng về nhà ở, công trình cho các hộ dân bị ảnh hưởng do bão; 9 nhà ở của người dân bị tốc mái trên địa bàn huyện đã được sửa chữa; địa phương đang tổ chức khắc phục các tuyến đường giao thông bị sạt lở trong thời gian sớm nhất.
Để khắc phục sự cố về điện, ông Thái Minh Châu, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên cho biết, trong sáng 29/10 đơn vị đã huy động 284 cán bộ, công nhân lao động, 33 phương tiện, chia làm nhiều mũi tập trung khắc phục các cột điện bị đổ tại huyện Tuy An, thị xã sông Cầu và thành phố Tuy Hòa, đã khôi phục 1.532/1.689 trạm biến áp, cấp điện lại cho 166.000 khách hàng.
Hiện các lực lượng của Điện lực Phú Yên đang khắc phục sự cố để sớm cấp điện lại cho 9 xã, phường, thị trấn đang bị mất điện./.