Bão số 7 đang tiến vào đất liền Hải Phòng-Quảng Ninh. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, đến 2 giờ ngày 19/10, ở đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; Uông Bí, Bãi Cháy gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, Cẩm Phả gió mạnh cấp 7, giật cấp 8.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ninh cho biết toàn tỉnh Quảng Ninh có 7.663 tàu khai thác thủy sản công suất dưới 90CV, tất cả tàu đã nhận được thông báo về bão và đã về nơi neo đậu tránh trú bão của tỉnh và các bến Cát Bà, Đồ Sơn của thành phố Hải Phòng; hơn 400 tàu công suất trên 90CV đã về nơi tránh trú; 534 tàu du lịch (trong đó có 202 tàu hoạt động ngủ đêm) cũng đã vào nơi tránh trú bão an toàn.
Quảng Ninh đã ra thông báo dừng cấp phép đối với các phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển từ 12 giờ ngày 18/10; toàn bộ số ô lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các địa phương đã được gia cố, chằng chống.
Các địa phương đã yêu cầu sơ tán người già, trẻ em, phụ nữ vào bờ tránh trú trước, đồng thời yêu cầu các chủ, người lao động trên các lồng bè, ao đầm vào đất liền trước 15 giờ ngày 18/10.
Quảng Ninh cũng đã huy động hàng ngàn người hỗ trợ nông dân gặt 5.000ha lúa mùa xong trong ngày 18/10. Các địa phương chủ động tháo nước ở các hồ chứa xuống dưới 70% sức chứa, tháo nước đệm cho các vùng sản xuất nông nghiệp để hạn chế thiệt hại cho cây trồng do ngập lụt khi bão về.
Lực lượng vũ trang đã phối hợp với các cơ quan chức năng di chuyển 423 khách du lịch (trên các đảo Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu) vào bờ an toàn. Hiện nay tại các khu du lịch biển đảo còn 15 khách du lịch, trong đó có bảy du khách nước ngoài đang ở xã đảo Quan Lạn (Vân Đồn) và tám du khách trong nước tại huyện đảo Cô Tô.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô cho biết tại Cô Tô hiện có gió cấp 6, cấp 7, có mưa. Các du khách đang ở đảo được chăm sóc, phục vụ chu đáo, được hướng dẫn cách đi lại an toàn khi bão về. Đến 7 giờ 30 ngày 19/10, trên đảo Cô Tô vẫn an toàn, chưa xảy ra sự cố bất ngờ nào trong mưa bão. Từ đêm 18/10 đến nay, thời tiết Quảng Ninh có mưa ở nhiều địa phương.
Các địa phương cũng đã cơ bản bổ sung các phương tiện, thiết bị, vật tư, hậu cần nhu yếu phẩm thiết yếu và sẵn sàng lực lượng theo đúng phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão số 7.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều đến tối 18/10 tại Nam Định, nhiều nơi đã có mưa, khu vực ven biển gió đã mạnh dần lên cấp 4, cấp 5, biển động mạnh. Lãnh đạo tỉnh Nam Định và các đơn vị chức năng của tỉnh đã về các địa phương cùng với người dân chuẩn bị các phương án ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, đến tối 18/10, toàn bộ hơn 2.000 tàu thuyền của tỉnh Nam Định đã vào nơi neo đậu an toàn. Hơn 880 lều chòi với gần 1.000 lao động trông coi ngao và nuôi trồng thủy sản ven biển cũng đã vào nơi an toàn.
Nam Định đã thu hoạch trên 48.680ha lúa, đạt khoảng 63% tổng diện tích lúa mùa toàn tỉnh. Dự kiến, trong ngày 20/10, các địa phương trong tỉnh sẽ thu hoạch xong các diện tích lúa chín. Đối với những diện tích lúa gieo cấy lại do ảnh hưởng của bão số 1 hiện còn xanh, các địa phương có phương án tiêu thoát nước chống úng ngập ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Tại huyện Giao Thủy, một trong ba huyện ven biển của tỉnh Nam Định, thường xuyên hứng chịu thiệt hại nặng do mưa bão. Rút kinh nghiệm những cơn bão trước, không để bị động, bất ngờ, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tính chủ động trong phòng chống bão cho nhân dân; đồng thời huy động các lực lượng tham gia ứng trực sẵn sàng ứng phó với bão.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Giao Thủy Mai Thanh Long cho biết, huyện đã phân công các đồng chí lãnh đạo về các xã, thị trấn phối hợp cùng với lãnh đạo địa phương và nhân dân chống bão.
Lực lượng chức năng các xã, thị trấn chuẩn bị phương án ứng phó với các tình huống do mưa lũ gây ra; rà soát các điểm đê, kè xung yếu, xây dựng phương án di dời 1.400 nhà tạm, nhà yếu và 3 khu dân cư ở ngoài đê vào nơi an toàn khi cần thiết./.