Bão số 4 và hoàn lưu sau bão đã làm 7 người thương vong

Tính đến 15 giờ ngày 1/9, bão số 4 và hoàn lưu sau bão đã làm 3 người chết, 4 người bị thương; 6 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 1.228 nhà bị hư hại, tốc mái; 405 nhà bị ngập...
Nước lên cao làm ngập cánh đồng, đường giao thông tại huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hóa). (Ảnh: Đình Nam/TXVN)
Nước lên cao làm ngập cánh đồng, đường giao thông tại huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hóa). (Ảnh: Đình Nam/TXVN)

Bão số 4 và hoàn lưu sau bão đã gây nhiều thiệt hại ở các tỉnh, thành phố. Hiện tại, các địa phương đang nỗ lực, tích cực khắc phục hậu quả thiên tai.

Nhiều thiệt hại về người và tài sản

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 15 giờ ngày 1/9, bão số 4 và hoàn lưu sau bão đã làm 3 người chết gồm: Nguyễn Hữu Tuấn, sinh năm 1993, do cây đổ vào người tại Hà Nội; Nguyễn Ngọc Việt, sinh năm 1965, ngã trên mái nhà khi đang chằng, chống nhà cửa tại Quảng Bình; ông Bùi Văn Sáu, sinh năm 1969, đi qua ngầm bị lũ cuốn trôi tại Hòa Bình.

Ngoài ra bão số 4 còn khiến 4 người bị thương, 6 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 1.228 nhà bị hư hại, tốc má, 405 nhà bị ngập, 6.769ha lúa bị đổ, 403ha hoa màu bị hư hại, 6.370 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi và gây thiệt hại 2.941ha thủy sản.

Đối với hệ thống đê điều, hiện có 237 vị trí trọng điểm xung yếu; 86 công trình đang thi công dở dang khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Trong đó, đáng quan tâm là 3 công trình đang thi công dở dang trên tuyến biển là công trình nâng cấp đê Bình Minh III tỉnh Ninh Bình, đê tả Nghèn và đê biển Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Tại tỉnh Thanh Hóa, hiện còn 1 điểm trên QL 217B và 2 điểm (ĐT.519B và ĐT518) bị ngập, có 3 sự cố sạt lở mái đê và bãi sông.

Cụ thể, một sự cố xảy ra ngày 30/8 tại thượng lưu đoạn từ K1+050 - K1+100 đê Hữu Mã, chiều dài sạt lở 50m, chiều sâu cung sạt 7,5m; 1 sự cố xảy ra ngày 31/8  tại K10+600 - K10+650. Đê Hữu sông Chu, sạt từ mép đỉnh đê với chiều dài cung sạt 50m, chiều sâu cung sạt vào mái đê từ 1-2m; một sự cố xảy ra ngày 31/8 tại K10+750 - K10+780, đê Hữu sông Chu, sạt lở bãi sông với chiều dài cung sạt khoảng 30m, vị trí sạt cách chân đê khoảng 1000m. Tỉnh đã tổ chức triển khai xử lý 3 sự cố trên và đang tiếp tục theo dõi diễn biến các sự cố.

Cùng với đó, tại Hồ Làng Pheo, huyện Ngọc Lặc có dung tích khoảng 100.000m3 đang thi công (đã đạt 80% khối lượng), mưa lớn trong 2 ngày 30, 31/8 đã làm nước tràn qua mặt đập 0,6m và bị vỡ vai trái tràn với chiều dài khoảng 5m. Hiện đã tháo cạn nước trong hồ, địa phương đang chuẩn bị phương tiện để đắp lại.

Hồ Nhiêu Mua, huyện Vĩnh Lộc có dung tích khoảng 140.000m3 đang thi công (đã đạt 85% khối lượng), mưa lớn đã làm xói máng tràn xả lũ khoảng 3m.

[Các tỉnh, thành phố chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới]

Hiện lực lượng chức năng đang tháo cạn nước trong hồ, nhà thầu thi công đang xử lý sự cố. Đập Bai Uốn (huyện Ngọc Lặc) mưa lớn gây sạt phần đất phía bờ tả đập dâng, gây hư hỏng khoảng 2 ha lúa.

Kênh chính Cửa Đạt (huyện Thường Xuân) một số vị trí bị tràn bờ kênh, hiện nước đã rút, tuy nhiên 30m bê tông đáy kênh bị đẩy trồi, 43 tấm bê tông đáy và mái bị nứt  từ 3-5mm và 1 số hư hỏng nhỏ khác. Kênh nhánh B12 thuộc kênh Bắc Cửa Đạt bị vỡ dài 40m, hiện đã được đắp bao tải đất để khắc phục tạm thời.

Hồ Thôn 2, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông (hồ có dung tích 550.000m3, đập cao 9m), bị xói ngầm cống, từ 16 giờ ngày 30/8 địa phương đã mở tối đa cống để hạ thấp mực nước, đến sáng 1/9, mực nước đã dưới mực nước dâng bình thường 50cm (giảm 60 cm so với mực nước cao nhất) và đã phát hiện miệng lỗ rò, hiện các lực lượng chức năng đang tổ chức đắp bịt, phương án bảo đảm an toàn cho hạ du cũng đã được chuẩn bị.

Đường giao thông đi Mường Ải, Mường Típ thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã tạm được khắc phục (xe máy có thể lưu thông được).

Liên quan đến sự cố tàu vận tải Thái Thụy 88 có 10 thuyền viên chở than hỏng máy ở khu vực giữa vùng biển thuộc tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, lúc 17 giờ ngày 30/8, 10 thuyền viên trên đã được tàu vận tải Đức Nam 01 cứu và bàn giao cho tàu KN 365 đưa vào bờ.

Bão số 4 và hoàn lưu sau bão đã làm 7 người thương vong ảnh 1Nước lũ đang dâng cao ở các con sông, suối ở các huyện phía đông của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Để tiếp tục khắc phục hậu quả bão số 4 và hoàn lưu sau bão, sớm ổn định đời  sống và sản xuất của nhân dân, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và áp thấp nhiệt đới gần biển Đông để chủ động triển khai các phương án phòng, chống.

Bên cạnh đó, huy động lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống. Đặc biệt, tập trung xử lý những hư hỏng các đập (Thanh Hóa). Tiếp tục kiểm tra hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, vận hành các hồ thủy điện nhỏ để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố huy động lực lượng kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng, chú ý những khu vực đã xảy ra mưa lớn thời gian qua để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.

Kiểm tra, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các ngầm, tràn, khu vực thường xuyên bị ngập; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để sẵn sàng xử lý các sự cố về giao thông.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, tránh tư tưởng chủ quan trong dịp nghỉ lễ; thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó  sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục