Bão số 4-Noru: Xuyên đêm túc trực, đảm bảo an toàn cho người dân

Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4 và lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đã xuyên đêm túc trực ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong đêm 27/9 và rạng sáng 28/9, bão số 4 đã đổ bộ vào miền Trung kèm theo mưa rất to, gió giật rất mạnh.

Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4 và lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố đã xuyên đêm túc trực ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo tiền phương đã túc trực xuyên đêm và tổ chức họp trực tuyến nghe báo cáo tình hình lúc 0 giờ và 5 giờ ngày 28/9.

Phó Thủ tướng nhận định xác định đây là cơn bão rất lớn, do vậy công tác chuẩn bị rất công phu bài bản. Tới sáng 28/9, bão đã suy giảm, chưa có báo cáo thiệt hại lớn.

Phó Thủ tướng biểu dương lực lượng chức năng địa phương đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, hạn chế được thiệt hại do bão. Đến thời điểm này, các địa phương phải khẩn trương rà soát các nơi bị thiệt hại, các khu dân cư nguy hiểm, các nhà bị tốc mái. Một số khu vực ảnh hưởng nặng cần triển khai hỗ trợ cho bà con mau chóng ổn định sau bão.

Đối với các khu vực cây cối bị đổ, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải có bộ phận trực chiến khẩn trương khắc phục, dựng cây hoặc cắt tỉa cành, tránh ùn tắc giao thông. Sau khi bão kết thúc, các địa phương nhanh chóng tổng hợp số liệu thiệt hại về người, tài sản để báo cáo. Kinh nghiệm qua những cơn bão trước đây là sau khi bão tan còn gây ra thiệt hại lớn hơn so với lúc bão đang diễn ra.

Việc cho học sinh đi học lại phải khẩn trương nhưng phải căn cứ vào tình hình đường sá, tình hình hồ đập, cầu cống đảm bảo an toàn, trời yên biển lặng mới cho đi học lại để tránh ảnh hưởng tính mạng người dân.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng tiếp tục theo dõi bám sát các thông tin do Trung tâm Khí tượng Thủy văn cung cấp để có ứng phó. Bão vẫn đang phức tạp, lực lượng các địa phương phải tiếp tục quản lý chặt, không chủ quan, không lơ là.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, vào lúc 4 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ vĩ Bắc, 108,1 độ kinh Đông; nằm giữa Đà Nẵng và Quảng Nam; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 13.

Tại thành phố Đà Nẵng từ tối 27, rạng sáng 28/9 có nơi mưa to đến rất to, gió lớn. Theo thống kê ban đầu, toàn thành phố có 2 căn nhà bị tốc mái, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục 89 trạm), ngã đổ 75 cây xanh và một số biển hiệu, chưa xảy ra thiệt hại về người.

[Tâm bão số 4 trên đất liền khu vực Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam]

Về 60 thuyền viên chống bão trên thuyền tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), hiện chưa có thông tin mới. Trong đêm có một trường hợp sản phụ chuyển dạ đã được lực lượng chức năng dùng xe quân sự hỗ trợ đến bệnh viện kịp thời. Một trường hợp gia đình 3 người tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) đề nghị được hỗ trợ di tản lúc 0 giờ và đã được chính quyền địa phương đưa về tránh trú bão an toàn tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng).

Tại tỉnh Quảng Nam, trong đêm có mưa to, gió tại các huyện thị ven biển đã đạt cấp 8, cấp 9, thành phố Tam Kỳ đã có gió giật cấp 13. Thống kê sơ bộ có 3.997 trạm biến áp bị mất điện (chưa khôi phục), có xảy ra tốc mái nhà, cây đổ nhưng chưa thống kê được số lượng cụ thể.

Lực lượng cảnh sát giao thông Thừa Thiên-Huế dọn dẹp cành cây gãy do bão. (Ảnh: TTXVN phát)

Tỉnh Quảng Ngãi có mưa vừa, gió tại thành phố Quảng Ngãi giật cấp 6, cấp 7, huyện Ba Tơ có gió cấp 11, huyện đảo Lý Sơn gió giật cấp 12. Về thiệt hại ban đầu, một số nhà dân bị tốc mái (chưa thống kê được số lượng cụ thể) và gãy đổ một số cây xanh, mất điện tại một số huyện, chưa có yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.

Tỉnh Bình Định có mưa nhỏ, gió cấp 5, xảy ra mất điện tại một số khu vực; ngoài ra chưa có báo cáo thiệt hại, sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế có mưa to đến rất to, gió giật cấp 7-9, chưa có báo cáo thiệt hại, sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.

Riêng tại tỉnh Quảng Trị, chiều 27/9, lốc xoáy đã xảy ra tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh làm nhiều hàng quán ven biển và 120 nhà bị tốc mái, sập tường (trong đó 2 ngôi nhà sập hoàn toàn), 4 người bị thương đã được đi cấp cứu tại cơ sở y tế, hiện đang tiếp tục cập nhật thiệt hại./.

Thùng nước của nhà dân bị bão hất văng ra đường ở quận Thành Khê, Đà Nẵng. (Ảnh Trần Lê Lâm/TTXVN)
Gió giật mạnh khiến tôn của các gia đình bay xuống đường Trần Cao Vân ở Đà Nẵng. (Ảnh Trần Lê Lâm/TTXVN)
Bão làm ngã đổ, gãy nhiều cây xanh trên đường Nguyễn Tất Thành ở Đà Nẵng. (Ảnh Trần Lê Lâm/TTXVN)
Cây bị gió quật ngã, bật gốc ở đường Như Nguyệt. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Bão số 4 cũng gây ra một số thiệt hại ban đầu tại huyện vùng III Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở, chia cắt, nhiều cây xanh bị ngã đỗ ảnh hưởng việc lưu thông của nhân dân. (Ảnh TTXVN phát)
Mưa lớn gây chia cắt giao thông tại huyện Tu Mơ Rông. (Ảnh TTXVN phát)
Nhiều cây xanh bị bão quật bung gốc. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Nhiều cây xanh bị bão quật bung gốc. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Trong sáng 28/9, gió vẫn giật mạnh, nhiều cây xanh bị ngã đổ. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Lực lượng bộ đội hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh đường phố sau khi bão đổ bộ. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Lực lượng bộ đội hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh đường phố sau khi bão đổ bộ. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Cây xanh ngã đổ tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
Bão số 4 gây ra một số thiệt hại tại thành phố Tam Kỳ. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
Lực lượng chức năng thu dọn cây cối ngã đổ trên đường. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
Lực lượng chức năng thu dọn cây cối ngã đổ trên đường. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
Nước dâng ngập đường giao thông do mưa lớn ở Quảng Nam. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
Nước lũ dâng cao do mưa lớn ở Quảng Nam. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục