Với sự giúp đỡ của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, lực lượng tại chỗ, sáng 27/9, tất cả xã vùng ven biển, hải đảo tỉnh Quảng Nam đã khẩn trương thực hiện việc đưa người dân ở những vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ bị ngập do nước biển dâng cao và vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng biển đến nơi ở an toàn tại các cơ sở tập trung và ở xen ghép trong cộng đồng dân cư.
Đến 10 giờ sáng 27/9, công tác di chuyển người dân của tỉnh Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành.
Tại xã ven biển Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, ngay từ sáng sớm, chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp về địa phương, cùng với chính quyền và các ngành chức năng vận động hơn 300 người dân, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em đưa lên xe ôtô để về ở tạm tại trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Toàn bộ khâu hậu cầu lương thực, thực phẩm, thuốc men, chăn chiếu đã được chuẩn bị đầy đủ để cung cấp cho người dân.
Được đưa về tạm trú tại trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, ông Phan Đình Hồng, xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ chia sẻ: Ở gần biển nên xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Trong ngày hôm qua, đã có nhiều cán bộ, chiến sỹ biên phòng, công an về địa phương giúp bà con chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây đề phòng đổ ngã, gây nguy hiểm.
Ngay từ sáng sớm, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an và chính quyền địa phương đã đến từng nhà kêu gọi người dân đến nơi ở an toàn. Được đưa đến ở tạm tại trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, được cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống nên bà con rất yên tâm và biết ơn.
[Giúp dân chằng chống nhà cửa trước khi bão Noru đổ bộ vào Quảng Nam]
Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, cho biết: đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp phòng, tránh bão số 4; chỉ đạo lực lượng Biên phòng đến tận các hộ gia đình để vận động người dân di chuyển đến nơi ở an toàn. Hiện nay, 100% tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn. Tất cả đơn vị Biên phòng đều đã chuẩn bị sẵn sàng địa điểm để đón người dân đến ở tạm trong những ngày mưa bão.
Để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại của bão số 4, Quảng Nam đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh, nhất là các xã vùng ven biển, vùng núi có nguy cơ sạt lở và lũ quét đến 9 giờ ngày 27/9 phải hoàn thành các phương án di dời dân ở xen ghép tại nhà và tập trung tại các cơ sở y tế, trường học, cơ quan quân sự.
Riêng tại các xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm (thành phố Tam Kỳ) và Tam Hải (huyện Núi Thành), lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an và lực lượng tại chỗ đã hoàn tất việc đưa người dân đến nơi an toàn sớm hơn so với yêu cầu của tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh cho biết: Trong ngày 26/9, nhất là sáng 27/9, toàn bộ người dân ở những khu vực trọng điểm đã được đưa đến nơi an toàn.
Trên địa bàn thành phố có hơn 4.000 hộ dân với hơn 12 nghìn nhân khẩu đã và đang được di chuyển đến ở xen ghép và ở tập trung. Riêng xã Tam Thanh sẽ di chuyển toàn bộ người dân trong xã để tránh rủi ro do bão số 4 gây ra.
Tính đến 10 giờ ngày 27/9, tỉnh Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành việc di dời người dân vùng trũng thấp đến nơi ở an toàn trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền. Theo số liệu tổng hợp các địa phương trong tỉnh, hiện đã di dời được 45.834 hộ dân với 155.269 người.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên khu vực Hoàng Sa vẫn còn 9 tàu/100 lao động của tỉnh đang di chuyển xuống phía Nam.
Tuy nhiên, tốc độ di chuyển rất chậm (từ 1-2 hải lý/giờ). Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với gia đình, địa phương thông báo cho các tàu nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện, lực lượng chức năng vẫn giữ liên lạc được với 9 tàu, người và tàu đều an toàn.
Các địa phương vùng Trung du và ven biển trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất thu hoạch vụ lúa Hè Thu. Riêng một số huyện vùng núi vẫn còn 569 ha diện tích lúa nước và 3.501 ha diện tích lúa rẫy chưa thu hoạch. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có chỉ đạo tập trung thu hoạch sớm diện tích lúa đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng.”
Tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các huyện miền núi như Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My... dự trữ hơn 600 tấn gạo; hơn 100 nghìn thùng mì tôm và lương khô các loại cùng 15 nghìn lít nước sạch... để chủ động lương thực, thực phẩm giúp người dân ổn định cuộc sống sau mưa bão.
Các địa phương khẩn trương rà soát, kêu gọi và sắp xếp tàu thuyền, tuyệt đối không cho bất cứ người nào ở lại phương tiện, kiên quyết trong việc di chuyển người dân ở vùng trũng thấp, vùng bị ngập do nước biển dâng đến nơi ở an toàn, bảo vệ kho tàng, công trình hồ đập, cơ sở hạ tầng. Đây là những biện pháp cấp bách được tỉnh Quảng Nam thực hiện quyết liệt để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra./.