Tối 27/9, nhận định về diễn biến bão số 4, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, đến thời điểm này, bão số 4 đang trong tình trạng mạnh nhất và không thể xảy ra khả năng bão mạnh lên cấp 16 (cấp siêu bão).
Khoảng cách hiện tại từ tâm bão đến đất liền là khoảng 200km về phía Đông.
Ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh, sau 22 giờ ngày 27/9 là khoảng thời gian tác động của bão đến đất liền rõ ràng nhất.
Cụ thể, khu vực đất liền và khu vực biển Trung Bộ có gió mạnh từ vùng tâm bão vào sẽ kéo dài đến sáng 28/9.
Khoảng thời gian tâm bão di chuyển vào đất liền (vùng mắt bão) là thời gian lặng gió, nên người dân phải hết sức lưu ý, không chủ quan và không đi ra ngoài vì chỉ khoảng 5-10 phút sau đó, gió sau bão di chuyển vào sẽ mạnh hơn, gây nguy hiểm rất lớn.
Người dân chỉ có thể an toàn ra ngoài khi theo dõi các bản tin về bão đã ra khỏi khu vực hoặc suy yếu.
[Bão số 4-Noru: Trạm radar thời tiết đã ‘bắt’ được bão, gió cực mạnh]
Ông Nguyễn Văn Hưởng cũng cảnh báo: ngoài gió mạnh, chính quyền và người dân hết sức chú ý đến các hiện tượng mưa dông gây lũ quét, sạt lở đất, trọng tâm là tại các khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Kom Tum và Gia Lai.
Bão số 4 không chỉ tác động đến khu vực Trung Bộ mà còn tác động đến khu vực các tỉnh Gia Lai, Kom Tum (nơi ít khi có tác động của bão mạnh) gây gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 9-10. Đây là cấp gió hiếm gặp ở 2 tỉnh này nên người dân hết sức đề phòng.
Lý giải về sự tác động của bão đến các tỉnh Gia Lai, Kom Tum, ông Nguyễn Văn Hưởng phân tích, đường đi của bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, trọng tâm là tác động vào các tỉnh, thành phố như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; Gia Lai, Kom Tum là nơi tiếp giáp với các tỉnh trên nên cũng sẽ bị tác động.
Kon Tum chủ động rà soát các khu vực xung yếu chuẩn bị ứng phó với bão
Để chủ động ứng phó với bão số 4 và mưa lũ trên địa bàn, ngày 27/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu.
Các huyện, thành phố và đơn vị liên quan cũng tiếp tục kiểm tra, rà soát để có phương án di dời người dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.
Qua kiểm tra công tác ứng phó tại các xã, Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo di dời khẩn cấp 20 hộ/83 khẩu, thuộc 2 điểm dân cư đến nơi an toàn.
Theo đó, xã Văn Xuôi đã di dời 14 hộ/51 khẩu ở thôn Đăk Văn 2 đến nhà người thân trong thôn thuộc điểm dân cư an toàn.
Xã Đăk Rơ Ông đã vận động di dời 6 hộ dân, với 32 nhân khẩu ở ven suối, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét về điểm trường tiểu học thôn Kon Hia 1 và tránh trú ở nhà người thân.
Ngoài ra, xã Ngọk Yêu di dời 65 học sinh tại thôn Tam Rin về ở trường bán trú; dự kiến tiếp tục di dời 50 hộ thôn Tam Rin khi xảy ra mưa lớn.
Để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 và mưa lớn trên địa bàn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum đã thành lập 3 đoàn đi kiểm tra thực tế tại các khu vực trọng điểm, xung yếu của các huyện Kon Plông, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy.
Các đoàn đã rà soát các điểm dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ sạt lở đất; ngầm, tràn bị xói sâu nguy hiểm, công trình xung yếu có khả năng bị sạt lở để có phương án di dời, gia cố an toàn cho công trình.
Chính quyền các xã tổ chức cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm, các điểm bị sạt lở để người dân biết và chủ động phòng tránh.
Tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai công tác ứng phó cơn bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ”; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức, kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ; tăng cường lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra, nhất là các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Kon Rẫy.
Các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, rà soát hệ thống cầu treo dân sinh bị hư hỏng, các tuyến đường bị sạt lở trên địa bàn để có giải pháp xử lý, khắc phục, sửa chữa kịp thời theo thẩm quyền quản lý nhằm đảm bảo giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn; sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt và chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn quản lý.
Chính quyền các xã chủ động triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Bên cạnh đó, chủ hồ chứa các công trình thủy điện, thủy lợi theo dõi, bám sát tình hình thời tiết, diễn biến của cơn bão, mưa lũ để sẵn sàng các kịch bản ứng phó, không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống thiên tai; tổ chức vận hành an toàn tuyệt đối và hiệu quả các hồ thủy điện, thủy lợi./.