Bão số 3 có thể mạnh lên thành siêu bão, 70-80% sẽ đổ bộ vào khu vực Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến khoảng chiều 6/9, bão số 3 sẽ đạt cường độ mạnh nhất là cấp 15, 16 (cấp siêu bão), gây mưa to, gió mạnh ở nhiều tỉnh miền Bắc.

Chuyên gia khí tượng thủy văn theo dõi diễn biễn bão số 3. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chuyên gia khí tượng thủy văn theo dõi diễn biễn bão số 3. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều 4/9, chuyên gia Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết bão số 3 có thể mạnh cấp 16, trở thành siêu bão; dự kiến sẽ đổ bộ vào khu vực Bắc Bộ từ tối ngày 6/9 tới với xác suất 70-80%.

Tuy nhiên vẫn có khả năng 10-30% bão sẽ đi cao hẳn lên Bán đảo Lôi Châu và vào đất liền Trung Quốc, trường hợp này bão sẽ không vào vịnh Bắc Bộ.

Theo chuyên gia Hoàng Phúc Lâm, tại thời điểm 18 giờ hôm nay, bão số 3 đã mạnh lên cấp 12, 13. Như vậy kể từ khi vào Biển Đông (cấp 8), hiện bão đã mạnh lên 4-5 cấp. Dự báo khoảng 48 giờ tới (khoảng chiều 6/9), bão số 3 sẽ đạt cường độ mạnh nhất là cấp 15, 16.

Cấp 16 là cấp siêu bão. Tuy nhiên theo nhận định của cơ quan khí tượng, thời điểm bão mạnh nhất sẽ nằm ở gần khu vực phía Đông của Đảo Hải Nam - Trung Quốc. Sau đó do tiếp xúc với đảo nên cường độ bão sẽ suy yếu trước khi vào Vịnh Bắc Bộ.

“Tuy nhiên khi vào Vịnh Bắc Bộ, khả năng bão lại tiếp tục tăng cấp,” ông Lâm lưu ý và nhấn mạnh khả năng bão số 3 vào Vịnh Bắc Bộ rất cao với xác suất 70-80%.

Về nguyên nhân bão số 3 liên tục tăng cấp trong suốt 24 giờ vừa qua, theo lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia là bởi hiện nay các điều kiện môi trường ở khu vực Bắc Biển Đông rất thuận lợi.

“Nhiệt độ mặt nước biển ở khu vực Bắc Biển Đông hiện nay đang rất cao, lên tới 31 độ C và duy trì liên tiếp trong nhiều ngày qua. Cũng lâu rồi không có bão trên Biển Đông ở khu vực này nên năng lượng biển, độ ẩm, nhiệt độ, cùng với các điều kiện về khí áp, hoàn lưu khí quyển, dòng dẫn,… đã tạo điều kiện thuận lợi cho bão phát triển,” ông Lâm nói.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cường độ cực đại của bão sẽ đạt vào chiều 6/9 trước khi gặp các điều kiện không thuận lợi cho sự phát triển của bão (như yếu tố địa hình cản trở sự phát triển của bão).

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng lưu ý mặc dù bão chưa vào Vịnh Bắc Bộ, chưa vào đất liền nhưng trong điều kiện thời tiết oi nóng hiện nay, nhiều khả năng dông, lốc xảy ra trước bão là rất đáng lo ngại.

“Tới thời điểm chiều tối 6/9, khi bão số 3 còn cách đất liền Việt Nam khoảng 400-500 km, trong đất liền ở khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Thủ đô Hà Nội) sẽ có khả năng xuất hiện mưa dông kèm theo lốc và sét,” ông Lâm cảnh báo.

vnp_chuyen gia chia se ve bao so 3.PNG
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm (bên phải) thông tin về bão số 3. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng theo ông Lâm, thời điểm rạng sáng và trưa ngày 7/9, khu vực ven biển và đất ở Bắc Bộ sẽ xuất hiện gió mạnh và mưa bắt đầu tăng rõ rệt. Cao điểm của mưa to và gió mạnh sẽ xuất hiện vào chiều 7/9 và sáng 8/9. Từ chiều và tối 8/9, gió ven biển giảm hẳn, mưa sẽ chuyển lên khu vực phía Tây Bắc Bộ.

Trọng tâm ảnh hưởng bởi bão số 3 là các địa phương ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; trong đó các địa phương dự báo sẽ xuất hiện mưa to và gió mạnh nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình…

Thông tin thêm, ông Nguyễn Xuân Hiển - Giám đốc Trung tâm Hải văn (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) cho biết trong 24 giờ tới, sóng biển có thể đạt độ cao từ 5-7m; vùng Bắc biển Đông và vùng tâm bão đi qua, sóng biển có thể cao 7-10n. Với cường độ bão đạt cấp 15, 16, độ cao sóng có thể lên tới 10-12m.

“Khi bão vào đến Vịnh Bắc Bộ, chiều cao của sóng có thể đạt 5-7m. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh nơi chịu ảnh hưởng của bão cần hết sức đề phòng do ảnh hưởng của sóng cao, gây nguy cơ tới tàu thuyền kể cả tàu thuyền đã được neo đậu,” ông Nguyễn Xuân Hiển nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục