Tổng thống Hoa Kỳ thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam - một di sản của cuộc chiến đã kết thúc từ năm 1975 - là nội dung nổi bật được báo chí Pháp đồng loạt đưa tin nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 23-25/5 của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Nhật báo hàng đầu của Pháp, tờ Le Monde cho rằng chuyến thăm của ông Obama là thêm một bằng chứng cho thấy sự xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Thông qua chuyến thăm đặc biệt này, Tổng thống Hoa Kỳ muốn "tái cân bằng" chính sách sang khu vực châu Á, vì những mục đích kinh tế cũng như mục đích chiến lược.
Báo điện tử Mediapart gọi chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Obama tới Việt Nam là "chuyến thăm lịch sử" kéo dài ba ngày nhằm mục đích tăng cường quan hệ quốc phòng và kinh tế giữa hai nước, đồng thời cho thấy tầm quan trọng mà Mỹ dành cho quan hệ đối với Việt Nam.
Bài viết trên báo Libération ngày 23/5 đã nhắc lại việc Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế vào năm 1994 và bình thường hóa quan hệ một năm sau đó - một quyết định có tính biểu tượng cao.
Bài báo cũng thông báo nội dung cuộc họp báo chung giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, nơi hai nhà lãnh đạo đã thông báo mối quan hệ bình thường hóa hoàn toàn giữa hai nước.
Theo bài báo, trong ngày đầu tiên của chuyến thăm, ông Obama nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 quốc gia ký kết.
Ông hy vọng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ phê chuẩn vào đầu năm 2017 trước khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông kết thúc.
Trong khi đó tờ nhật báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh vào mục đích thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.
Bài báo viết: "Tổng thống Hoa Kỳ Obama không đến Việt Nam với hai tay không. Ông đến để nói chuyện về thương mại với người đồng cấp. Trong vòng chưa đầy 10 năm, trao đổi thương mại song phương đã tăng gấp 10 lần, đạt 46 tỷ USD vào năm 2015, tương đương 1/2 giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5% trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải tiếp tục thực hiện các cải cách nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng này"./.