Báo Pháp: Ấn Độ thay thế vị trí công xưởng thế giới của Trung Quốc

Ngày 19/9, tờ Le Figaro của Pháp cho biết trong khi kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại, thì nền kinh tế Ấn Độ hiện đang vận hành với một tốc độ nhanh hơn.
Báo Pháp: Ấn Độ thay thế vị trí công xưởng thế giới của Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: riskmanagementmonitor.com)

Theo Đài RFI, ngày 19/9, tờ Le Figaro của Pháp cho biết trong khi kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại, thì nền kinh tế Ấn Độ hiện đang vận hành với một tốc độ nhanh hơn. Điều này đủ để cho Ấn Độ nuôi hy vọng trở thành "công xưởng mới của thế giới."

Theo tờ báo, trong khi toàn cảnh nền kinh tế thế giới không mấy sáng sủa thì Ấn Độ dự đoán mức tăng tưởng cho năm 2015 này là 7,2%. Hiệu quả còn cao hơn cả nước đối thủ láng giềng Trung Quốc, chỉ có được 6,7%.

Còn theo tờ Le Monde, Ấn Độ là một trong số hiếm hoi các nước không bị ảnh hưởng từ nền kinh tế Trung Quốc.

Không như các nước mới trỗi dậy khác như Brazil hay Indonesia, Ấn Độ tuy cũng là nước nhập khẩu, nhưng lại hưởng lợi rất nhiều từ hiện tượng giá nguyên nhiên liệu thế giới giảm.

Hơn nữa, New Dehli không lệ thuộc vào Trung Quốc về xuất khẩu, dù bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Do đó, việc đồng nhân dân tệ bị phá giá cũng không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Ấn Độ, vốn dĩ không chịu một áp lực cạnh tranh nào với đối thủ Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu.

Đối với một số chuyên gia Ấn Độ, nước này dường như có cơ hội "tiếp sức cho đầu tàu tăng trưởng thế giới" do có giá nhân công rẻ và một thị trường rộng lớn không kém gì so với Trung Quốc.

Tuy nhiên, tờ Le Monde nhận định giấc mơ hóa rồng của "voi Ấn Độ" là cả một hành trình dài. Đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ vẫn rất hạn chế, do còn nhiều cản trở: khó khăn về mặt thủ tục hành chính, nhân công dồi dào nhưng thiếu tay nghề, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém.

Theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nếu đầu tư sản xuất để xuất khẩu, họ thích đầu tư vào Trung Quốc hơn. Đầu tư tại Ấn Độ chỉ để tìm kiếm "lợi nhuận từ mức tăng nhu cầu nội địa trong các lĩnh vực như sản phẩm tiêu dùng hay trang thiết bị."

Hơn nữa, trong tham vọng trở thành công xưởng thế giới, Ấn Độ có thể sẽ không tận dụng được cùng bối cảnh như là Trung Quốc có được khi mà nhu cầu thế giới hiện bị giảm mạnh từ những năm 2000.

Cuối cùng, Le Monde kết luận rằng con đường hướng tới "Make in India" như những gì Thủ tướng Narendra Modi hiện đang đi quảng bá tại nhiều nước trước tiên cần phải thông qua ngả "Make for India"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục