Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa báo cáo Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) danh sách quyết định cấp phép cho 13 câu lạc bộ Việt Nam tham dự giải Vô địch Quốc gia (V-League) và các giải đấu cấp câu lạc bộ của AFC năm 2022.
Theo đó, 11 câu lạc bộ đủ điều kiện và được cấp phép thi đấu gồm: Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, Nam Định, Đông Á Thanh Hóa, Becamex Bình Dương, Hà Nội, SHB Đà Nẵng, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, Hải Phòng.
Còn lại, hai câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An và Bình Định được cấp phép theo diện ngoại lệ kèm biện pháp phạt vì còn chưa đạt một số tiêu chí nhất định. Hai đội bóng này sẽ chịu cảnh cáo và bị khiển trách.
Đáng chú ý, câu lạc bộ Than Quảng Ninh không được cấp phép tham dự V-League và giải đấu cấp câu lạc bộ của AFC năm 2022 do không đáp ứng các tiêu chí cấp phép hạng A bắt buộc trên hệ thống cấp phép trực tuyến với khó khăn lớn nhất về mặt tài chính.
Bên cạnh đó, lý do tới từ Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên Bóng đá Quảng Ninh – đơn vị quản lý câu lạc bộ bóng đá Than Quảng Ninh tạm ngừng hoạt động.
Đây là điều được dự báo từ trước khi mùa giải qua, Than Quảng Ninh liên tục chao đảo vì vấn đề thiếu nhà tài trợ, thiếu tiền và nợ lương thưởng của cầu thủ tới khoảng 70 tỷ đồng.
Khi mùa giải 2021 kết thúc, câu lạc bộ Than Quảng Ninh được trả về cho tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, nhà tài trợ sẵn sàng đầu tư, vực dậy đội bóng, song không chấp nhận trả số tiền nợ lương hiện tại và các vấn đề còn vướng mắc từ trước.
Vì thế, câu lạc bộ Than Quảng Ninh không còn được dự V-League dù từng là một đội mạnh tại giải đấu những năm trở lại đây.
Trong trường hợp một đội bóng không đủ điều kiện thi đấu, V-League mùa giải 2022 nhiều khả năng chỉ còn lại 13 đội bóng, nếu VFF không có phương án bổ sung hay giải quyết vấn đề.
Mùa giải 2021 vừa qua, V-League bị hủy giữa chừng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các kết quả vô địch, lên hay xuống hạng không được công nhận nên việc V-League thiếu đi một đội bóng trở thành bài toán khó.
Không chỉ gây ảnh hưởng tới giải đấu, việc Than Quảng Ninh chao đảo, không được cấp phép thi đấu và còn đứng trước nguy cơ giải thể một lần nữa "rung chuông" báo động về cách làm bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam./.