Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, trong bối cảnh nạn đói ở Gaza trở nên tồi tệ hơn, các băng nhóm có tổ chức đang đánh cắp phần lớn hàng viện trợ và hoạt động tự do ở các khu vực do quân đội Israel kiểm soát.
Báo The Washington Post trích nguồn tin từ các nhân viên cứu trợ cho biết nạn cướp bóc đã trở thành trở ngại lớn nhất cho việc phân phối hàng viện trợ tới phía Nam Gaza, nơi sinh sống của phần lớn người Palestine bị Israel yêu cầu di dời tới đây.
Các băng nhóm có vũ trang đã giết hại, đánh đập và bắt cóc các tài xế xe tải chở hàng cứu trợ ở khu vực xung quanh cửa khẩu Kerem Shalom, điểm chính mà Israel cho phép chở hàng tới phía Nam Gaza.
Các băng nhóm này có liên quan đến các gia đình tội phạm, được mô tả là đối thủ của Hamas và trong một số trường hợp, chúng còn bị lực lượng an ninh Hamas triệt phá.
Theo nội dung một bản báo cáo nội bộ của Liên hợp quốc mà tờ The Washington Post có được, các băng đảng có vẻ nhận được "sự bảo vệ" từ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).
Bản báo cáo cho biết một thủ lĩnh băng đảng tại Gaza đã thành lập một "khu phức hợp kiểu quân đội" trong một khu vực "bị IDF hạn chế, kiểm soát và tuần tra."
Các tổ chức cứu trợ cho biết Israel đã từ chối hầu hết các yêu cầu về biện pháp bảo vệ tốt hơn đoàn xe, bao gồm sử dụng các tuyến đường an toàn hơn, mở thêm nhiều lối đi và cho phép cảnh sát dân sự của Gaza bảo vệ các đoàn xe.
Các nhân viên cứu trợ, quan chức Liên hợp quốc và tài xế xe tải cho biết các lực lượng Israel cũng đã nhiều lần làm ngơ, không can thiệp khi các vụ cướp bóc diễn ra.
Quân đội Israel đã phủ nhận các cáo buộc trên, tuyên bố rằng IDF đã thực hiện "các biện pháp đối phó có mục tiêu" chống lại những kẻ cướp bóc.
Tình trạng hỗn loạn, vô luật pháp tại Gaza
Trong vụ việc lớn mới nhất, 98 trong số 109 xe tải chở lương thực viện trợ của Liên hợp quốc qua cửa khẩu Kerem Shalom đã bị những kẻ có vũ trang cướp bóc vào đêm 16/11.
Ông Muhannad Hadi, điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc phụ trách các vùng lãnh thổ Palestine, cho biết "Gaza về cơ bản là vô luật pháp. Không có an ninh ở bất cứ đâu." Theo ông này, Israel là lực lượng chiếm đóng, vì vậy "họ cần đảm bảo khu vực này được bảo vệ và an toàn."
Vào tháng 10, lượng hàng viện trợ đến tay người dân Gaza đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột, ngay cả khi Mỹ yêu cầu Israel cho phép lượng hàng viện trợ lớn hơn đến tay người dân Gaza hoặc Mỹ sẽ cắt giảm một số hỗ trợ quân sự.
COGAT, bộ phận dân sự của quân đội Israel phụ trách các vùng lãnh thổ Palestine, đã biện minh cho các hạn chế về lượng hàng hóa viện trợ khi liên tục cáo buộc Hamas đánh cắp hàng viện trợ và ngăn không cho viện trợ đến tay người dân.
Tuy nhiên, theo một quan chức Mỹ, Hamas không đứng sau các cuộc tấn công hàng viện trợ và điều này được được nhiều nhân viên cứu trợ hoạt động trên thực địa tại Gaza chia sẻ.
Sự trỗi dậy của các băng đảng
Israel đã phát động chiến dịch quân sự ở Gaza hơn một năm trước, sau cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel ngày 7/10/2023 khiến 1.200 người thiệt mạng. Ngoài ra, Hamas và các tay súng khác đã bắt khoảng 250 người làm con tin.
Theo Bộ Y tế Gaza, chiến dịch quân sự của Israel đã san phẳng phần lớn Gaza, khiến hơn 43.000 người thiệt mạng, và buộc 1,9 triệu người (chiếm 90% dân số Gaza) phải dời bỏ nhà cửa.
Trật tự xã hội tại Gaza bắt đầu sụp đổ vào tháng 2/2024 khi Israel nhắm mục tiêu vào các cảnh sát dân sự đang bảo vệ các đoàn xe cứu trợ, với lý do họ có liên hệ với chính phủ do Hamas điều hành.
Những người dân thường tuyệt vọng và băng nhóm buôn lậu, tội phạm bắt đầu lao vào cướp bóc hàng tiếp tế, khiến việc vận chuyển đồ cứu trợ chậm lại.
Theo các nhân viên cứu trợ, ban đầu, nhiều kẻ cướp bóc là những người đói khát đang cố gắng kiếm thức ăn cho gia đình.
Vào tháng 5, Israel đóng cửa cửa khẩu biên giới Rafah với Ai Cập - vốn là tuyến đường huyết mạch của Gaza, làm giảm số lượng xe tải cứu trợ có thể vào vùng đất này.
Phần lớn hoạt động nhân đạo được chuyển hướng đến cửa khẩu Kerem Shalom của Israel, đi qua kh vực từ lâu thuộc quyền kiểm soát của các gia đình thuộc bộ lạc Bedouin, trong đó một số có liên quan đến hoạt động tội phạm có tổ chức.
Con đường nguy hiểm nhất ở Gaza
Trong nhiều tháng, Israel chỉ chấp thuận một tuyến đường vận chuyển viện trợ đi qua cửa khẩu Kerem Shalom: một con đường gồ ghề chạy từ điểm đón hàng qua một vùng đất hoang vắng ở phía Đông Nam Gaza.
Một nhân viên cứu trợ thường xuyên đi qua tuyến đường này cho biết những kẻ cướp bóc thường tập trung tại địa điểm cách cửa khẩu khoảng 2,5km. Quân đội Israel giám sát chúng và âm thầm theo dõi mọi thứ xảy ra.
Egeland, tổ chức cung cấp cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ em ở Gaza, cho biết "không thể làm bất cứ điều gì" trong vùng đất này mà không có sự cho phép của Israel.
Các nhóm nhân đạo nhiều lần yêu cầu chính quyền Israel chấp thuận các tuyến đường và cửa khẩu khác an toàn hơn. Tuy nhiên, những lời đề nghị đó đã bị Israel từ chối.
Một nhân viên cứu trợ thừa nhận: "Tuyến đường duy nhất mà họ cung cấp cho chúng tôi là đi thẳng qua những kẻ cướp bóc"./.
Cơ quan Liên hợp quốc: Toàn bộ dải Gaza giống như một nghĩa địa
Người phát ngôn của Cơ quan Liên hợp quốc về người Palestine (UNRWA) đã đăng tải một video cho thấy quang cảnh tại phía Bắc Gaza như trên Mặt trăng với mặt đất đầy hố bom và những con phố hoang tàn.