Báo Malaysia: Việt Nam củng cố vị thế trong xuất khẩu trái cây

Bài viết trên trang mạng thestar.com.my của Malaysia nhấn mạnh Việt Nam đang nỗ lực sản xuất an toàn, củng cố vị thế là một trong những nước xuất khẩu trái cây tươi quan trọng của thế giới.
Thanh long Việt Nam là nông sản được nhiều quốc gia ưa chuộng. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Trong thời gian qua, tại những thị trường ưa chuộng các sản phẩm trái cây Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 đã không làm gián đoạn lớn đến hoạt động xuất khẩu mà thậm chí còn mở ra thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nông sản Việt Nam

Trang mạng thestar.com.my của Malaysia mới đây đã đăng bài viết nhận định một số loại trái cây trồng ở Việt Nam đã thâm nhập thành công vào các thị trường "khó tính" và có giá trị cao.

Bài viết nhận định, không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, rau củ quả Việt Nam đã được xuất khẩu ra nước ngoài và tốc độ xuất khẩu tới các thị trường lớn khác ngoài Trung Quốc (thị trường nhập khẩu lớn nhất hiện nay của Việt Nam) như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia đang tăng trưởng mạnh.

Nhiều công ty xuất khẩu của Việt Nam đang chuyển hướng sang các thị trường châu Âu vì các sản phẩm được hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và các thị trường này có nhu cầu ngày càng lớn đối với rau quả nhiệt đới.

[Tiền Giang: Giải quyết đầu ra cho vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản]

Phía Việt Nam cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán để các loại trái cây tươi khác thâm nhập vào thị trường mới.

Để nắm bắt cơ hội, nhiều địa phương đang chuẩn bị các vùng trồng và nguồn nguyên liệu.

Tỉnh Tiền Giang là nơi trồng cây ăn trái lớn nhất Việt Nam, đang tìm cách mở rộng các đồn điền để giúp tăng thu nhập và lượng xuất khẩu của nông dân.

Tỉnh Gia Lai có kế hoạch tăng diện tích trồng chanh dây lên 20.000ha vào năm 2025, tăng gấp 5 lần so với diện tích hiện tại.

Theo bài viết, để đảm bảo tính bền vững của hoạt động xuất khẩu trái cây và thâm nhập sâu hơn vào các thị trường truyền thống, thậm chí là thị trường cao cấp, yếu tố then chốt là phải đảm bảo sản xuất an toàn, góp phần nâng cao thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam, qua đó củng cố vị thế là một trong những nước xuất khẩu trái cây tươi quan trọng của thế giới.

Bài viết dẫn dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam chỉ ra kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang châu Âu năm 2021 đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 8 tháng năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt kim ngạch gần 2,2 tỷ USD.

Việt Nam hiện đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ loại quả gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa.

Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam cũng đã xuất khẩu 3 loại quả tươi như thanh long, xoài, vải. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đàm phán với Bộ Nông nghiệp Nhật Bản để xuất khẩu nhãn bằng phương pháp xử lý lạnh, đang trong giai đoạn thí nghiệm cuối cùng. Biện pháp này sẽ là tiền đề để xuất khẩu các loại quả khác của Việt Nam.

Mới đây, vào ngày 17/9, chuyến hàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc đầu tiên đã được thực hiện, hơn 2 tháng kể từ khi ký kết nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành đàm phán mở cửa thị trường đối với các sản phẩm gồm: nhãn xuất khẩu đi Nhật Bản; tiếp tục đàm phán các sản phẩm chanh leo, dừa xuất khẩu đi Hoa Kỳ; bưởi xuất khẩu sang Hàn Quốc; chanh leo xuất khẩu sang Australia; cây có múi xuất khẩu đi New Zealand.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ chuẩn hóa lại các quy định liên quan đến các loại quả tươi truyền thống xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp….

Chủ động chuẩn bị tốt các hồ sơ kỹ thuật, tích cực đàm phán để mở cửa thị trường cho nông sản xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn và tiềm năng; giải quyết các vấn đề rào cản kỹ thuật phát sinh tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu....chuẩn hóa lại các quy định liên quan đến các loại quả tươi truyền thống xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.  

Trong bối cảnh trái cây Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội xuất khẩu, vấn đề nâng cao chất lượng, giá trị của trái cây được chú trọng để vượt qua hàng rào kỹ thuật, "mở cửa" thị trường có giá trị xuất khẩu cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục