Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, tờ The Malaymail mới đây đã có bài viết với tiêu đề “APEC giúp Việt Nam thúc đẩy đổi mới và phát triển bao trùm,” trong đó giới thiệu về sự kiện Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Việt Nam.
Đồng thời, bài báo cũng như đưa ra đánh giá rất tích cực đối với các thành tựu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Tờ The Malaymail nhận định trong suốt quá trình tham gia APEC, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, APEC chiếm 78% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 79% giá trị thương mại quốc tế và 79% lượng du khách quốc tế của Việt Nam. Trong tổng số 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký hoặc đang đàm phán thì có tới 13 FTA là với các đối tác trong APEC.
Về kinh tế trong nước, Việt Nam đã tạo đà cho khu vực tư nhân tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp ngày càng nhiều vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
An sinh xã hội và phúc lợi phát triển tốt, đặc biệt trong việc giảm nghèo, tạo việc làm, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công với đất nước và chính sách bảo hiểm y tế.
Với GDP hơn 200 tỷ USD, Việt Nam đang chứng kiến kinh tế ngày càng tăng trưởng, đổi mới và phát triển bao trùm khi tham gia APEC.
[Chuyên gia Argentina đánh giá cao sự chủ động của Việt Nam]
Bên cạnh những thành tựu xuất sắc này, Việt Nam vẫn là một trong những nơi có chi phí sản xuất rẻ ở Đông Nam Á, trong khi chất lượng các sản phẩm xuất khẩu lại tương đối đáng tin cậy.
Chính danh tiếng này đã giúp thu hút thêm đầu tư, tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời giúp mở rộng sản xuất xuất khẩu.
Trong quá trình phát triển, nền kinh tế Việt Nam đã thành công trong việc mở rộng, giữ được tốc độ tăng trưởng hợp lý kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Thành công của Việt Nam dựa trên các chính sách thực hiện trong công cuộc Đổi Mới, theo đó mở ra thị trường cho đầu tư nước ngoài và tạo cơ hội cho người dân địa phương tham gia vào các doanh nghiệp tư nhân, giúp người dân cải thiện điều kiện kinh tế.
Nhìn chung, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, chuyển từ một đất nước lạc hậu với 90% dân số làm việc trong ngành nông nghiệp sang một trong những nền kinh tế năng động nhất ở châu Á.
Sau ba thập kỷ, mức sống của người dân Việt Nam đã được cải thiện, trong khi số lượng doanh nhân tăng theo cấp số nhân đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Theo The Malaymail, các sự kiện APEC 2017 tại Việt Nam cũng phản ánh sự đổi mới và phát triển bao trùm nhanh chóng của Hà Nội, cũng như thể hiện những nỗ lực của Việt Nam trong hợp tác sâu rộng với khu vực.
Chủ đề của APEC 2017 đã nhấn mạnh mục tiêu chung và lâu dài của APEC trong việc xây dựng một cộng đồng hòa bình, ổn định, hòa nhập và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các mục tiêu chính của APEC năm nay là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và tăng trưởng bao trùm, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, tăng cường năng lực cạnh tranh và đổi mới của các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (MSME) trong thời đại kỹ thuật số và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững trong ứng phó với biến đổi khí hậu./.