Bạo lực vì dầu mỏ gây tổn hại đến tiến trình hòa bình ở Libya

Ai Cập đã lên tiếng chỉ trích việc một nhóm vũ trang ở Libya tấn công bằng vũ lực để chiếm giữ hai cảng dầu lớn nhất của quốc gia Bắc Phi này gây tổn hại đến các nỗ lực chấm dứt chiến tranh tại Libya.
Nhà máy lọc dầu tại Ras Lanuf , miền Bắc Libya, ngày 11/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 7/3, Ai Cập đã lên tiếng chỉ trích việc một nhóm vũ trang ở Libya tấn công bằng vũ lực để chiếm giữ hai cảng dầu lớn nhất của quốc gia Bắc Phi này, cho rằng vụ tấn công gây tổn hại đến các nỗ lực hiện nay nhằm chấm dứt chiến tranh và xung đột chính trị tại Libya.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập, ông Ahmed Abu Zeid nói rằng các cuộc tấn công như vậy là "mối nguy hiểm cực độ," đồng thời tuyên bố không cho phép các nhóm vũ trang được nước ngoài hậu thuẫn quyết định tiến trình chính trị tại Libya.

Nhấn mạnh sự ủng hộ của Cairo đối với các nỗ lực nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Libya, ông Abu Zeid kêu gọi Hội đồng Tổng thống và Quốc hội Libya từ chối bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài và cam kết hướng tới một giải pháp chính trị.

Trước đó ngày 3/3, nhóm vũ trang Lữ đoàn Phòng vệ Benghazi đã tấn công và giành quyền kiểm soát hai cảng dầu khí Es Sider và Ras Lanuf, nằm cách thủ đô Tripoli 600km về phía Đông.

Hai cảng này từng nằm dưới sự kiểm soát của Quân đội Quốc gia Libya do Tướng Khalifa Haftar chỉ huy.

Tháng trước, một cuộc họp ba bên giữa Ngoại trưởng các nước Ai Cập, Tunisia và Algeria được tổ chức tại thủ đô Tunis của Tunisia để thảo luận tình hình Libya đã ra tuyên bố Tunis, theo đó ủng hộ một tiến trình hòa giải chính trị toàn diện tại Libya.

Tuyên bố chung gồm 6 điểm, tái khẳng định nguyên tắc bác bỏ sự can thiệp chính trị và quân sự từ bên ngoài vào các vấn đề nội bộ của Libya đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì quân đội và nhà nước Libya hiện nay, phù hợp với Thỏa thuận hòa bình Skhirat năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục