Theo Project Syndicate, nhiều người đã nói về sự mâu thuẫn giữa Internet với dân chủ, nhất là sau những vụ bạo lực tại Đồi Capitol ngày 6/1.
Các chính trị gia đang vật lộn với những vấn đề về pháp lý và trách nhiệm đạo đức. Tuy nhiên, những sự kiện kinh hoàng đã phơi bày một mâu thuẫn quan trọng trong xã hội hiện đại: vai trò của Internet như một công cụ làm suy thoái dân chủ.
Mọi chuyện đáng lẽ đã không diễn ra theo cách này.
Cấu trúc mở của Internet từ lâu đã được những người theo chủ nghĩa tương lai tự do mạng ca ngợi như một lực lượng dân chủ hóa mới mẻ và mạnh mẽ.
Thông tin được cung cấp miễn phí, có sẵn mọi lúc mọi nơi, và bất kỳ ai cũng có thể bỏ phiếu chỉ với một cú nhấp chuột.
Trong giai đoạn từ năm 1900-2018, số người dùng Internet tại Mỹ đã tăng từ 1% lên 87% dân số, cao hơn nhiều so với thế giới trong cùng kỳ là từ 0 lên 51%.
Mỹ, nền dân chủ lâu đời nhất thế giới, đã dẫn đầu trong việc áp dụng các công nghệ quyền lực mới.
Tất nhiên, vấn đề nằm ở việc quản trị Internet, cụ thể là sự thiếu vắng các quy tắc.
Dù những ưu điểm của thế giới kỹ thuật số, chưa nói gì đến sự gia tăng của số hóa trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19, là điều không thể phủ nhận, song mặt tối của nó vẫn là điều khó bỏ qua.
Nói một cách cụ thể, mô hình kết nối mở của phương Tây đã “ươm mầm” các nền tảng buôn bán ma túy bất hợp pháp, thậm chí là cả những nội dung khiêu dâm và ấu dâm, kích thích chủ nghĩa cực đoan trong chính trị, gây mâu thuẫn xã hội và giờ là cả các âm mưu nổi dậy.
Mô hình Trung Quốc là một sự tương phản mạnh mẽ. Cách tiếp cận theo hướng kiểm duyệt chặt chẽ các nội dung là điều không có ở các xã hội tự do.
Đối với Trung Quốc, quản trị diễn ra trên tất cả các khía cạnh, từ xã hội, kinh tế để cuối cùng là hướng đến ổn định chính trị.
Là một "pháo đài tự xưng" của nền dân chủ, rõ ràng Mỹ không đồng tình với quan điểm này. Họ phản bác và mỉa mai hành vi kiểm duyệt dù là dưới bất kỳ hình thức nào.
Mỉa mai có lẽ cũng là từ phù hợp để miêu tả phản ứng của hầu hết người dân Mỹ trước cuộc tấn công chết người tại Đồi Capitol.
Những cuộc huy động xã hội và chính trị qua Internet- bắt đầu nhen nhóm từ Phong trào Xanh năm 2009 tại Iran và sau đó là Mùa Xuân Arab năm 2011- giờ đã trở thành tâm điểm của nước Mỹ.
Tất nhiên, có những khác biệt lớn. Người biểu tình tại Iran và các nước Arab độc tài khao khát và tìm kiếm dân chủ.
Còn ở Mỹ, cuộc tấn công vào tòa thành của nền dân chủ lại bắt nguồn từ bên trong, thậm chí là bị cáo buộc do chính tổng thống châm ngòi.
Điều này đặt ra những câu hỏi quan trọng về sự ổn định của chính nước Mỹ và sự thất bại trong quá trình quản trị Internet.
[Sự kiện "Đồi Capitol" và những góc khuất trong chính trị Mỹ]
Các nền tảng kỹ thuật số của Mỹ- từ Twitter, Facebook cho đến Apple và Google- đã tự mình giải quyết vấn đề bằng cách chặn tài khoản mạng xã hội của cựu Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, phản ứng này không đủ để thay thế cho những chiến lược quản trị phù hợp. Người ta hoàn toàn có lý do để hoài nghi việc đặt niềm tin vào trách nhiệm bảo vệ nền dân chủ của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đưa ra một góc nhìn khác về giám sát và quyền riêng tư. Và trong đó, Trung Quốc cùng với Mỹ là những nước dẫn đầu các cuộc tranh luận.
Phản ứng của Trung Quốc trước những thông tin đầu tiên về dịch bệnh - kể cả dấu hiệu bùng phát ở tỉnh Hồ Bắc - chủ yếu là các biện pháp ngăn chặn tích cực, kiểm tra bắt buộc, truy vết và theo dõi dựa trên ứng dụng mã QR.
Những biện pháp này tại Mỹ là các vấn đề chính trị gây nhiều tranh cãi, thậm chí còn bị nhiều người coi là hành vi vi phạm không thể chấp nhận được trong một xã hội tự do và cởi mở.
Ở góc độ nào đó, những kết quả mà Trung Quốc đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19 đã tự nói lên hiệu quả. Chỉ có những đợt bùng phát nhỏ sau ổ dịch Vũ Hán.
Trong khi đó, thật không may, làn sóng dịch COVID-19 thứ hai của Mỹ - tồi tệ hơn nhiều so với đợt dịch đầu tiên vào mùa Xuân năm 2020 - cũng tự nói lên rất nhiều điều.
Tuy nhiên, theo kết quả cuộc khảo sát gần đây của Pew Research, khoảng 40-50% người dân Mỹ vẫn phản đối các biện pháp kiểm soát dịch, được xây dựng trên nền tảng khoa học như theo dõi liên lạc qua điện thoại di động hay hợp tác với các quan chức y tế công cộng.
Cùng với xu hướng phản đối vắcxin, người ta có lý do để cho rằng nhiều nguyên lý cốt lõi của tự do dân chủ đang bị lợi dụng như một cái cớ để lấp liếm và phớt lờ nguy cơ của COVID-19.
Dù có muốn thừa nhận hay không, người ta cũng phải thừa nhận rằng những khát vọng và giá trị của cái gọi là cách diễn giải nguyên thủy về nền dân chủ Mỹ đang bị thách thức hơn bao giờ hết.
Cuộc nổi dậy ngày 6/1 và đại dịch COVID-19 có chung một ý nghĩa quan trọng: đe dọa phá vỡ trật tự của một xã hội tự do.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị lãnh đạo Nhà Trắng rằng “nền dân chủ của chúng ta bị đe dọa bất cứ khi nào chúng ta coi đó là điều hiển nhiên.”
Tuy nhiên, liệu đó có chính xác là những gì Mỹ đã và đang làm?
Trong một thập kỷ chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng COVID-19, khủng hoảng về công bằng-chủng tộc, bất bình đẳng và bây giờ là khủng hoảng chính trị, điều mà nước Mỹ hướng đến vẫn là những lý tưởng dân chủ cao cả.
Đáng buồn thay, sự tự mãn đến ở thời điểm nước Mỹ đứng trước nhiều thử thách.
Sự kết nối, với hậu thuẫn của Internet, ngày càng khuếch đại một cách nguy hiểm những mâu thuẫn và rạn nứt trong thời đại bất ổn xã hội và chính trị gia tăng.
Sự mong manh của xã hội Mỹ đã lộ rõ qua những gì diễn ra vào ngày 6/1 vừa qua. Con tàu dân chủ của nước Mỹ đang đối mặt với một rủi ro cực kỳ nghiêm trọng./.