Bạo lực sau khi tổng thống Cote d'Ivoire tái cử

Cote d'Ivoire đã xuất hiện dấu hiệu bạo động đầu tiên sau khi Hội đồng Hiến pháp nước này tuyên bố ông Gbagbo tái đắc cử tổng thống.
Tại Cote d'Ivoire đã xuất hiện các dấu hiệu bạo động đầu tiên sau khi Hội đồng Hiến pháp nước này tuyên bố ông Laurent Gbagbo tái đắc cử tổng thống.

Theo các nguồn tin quân sự và dân chúng địa phương, các vụ nổ súng đã xảy ra suốt đêm 3/12 đến rạng sáng 4/12 tại hai quận Abobo và Anyama ở phía Bắc thủ đô Abidjan.

Tại khu vực Port-Bouet ở miền Nam Cote d'Ivoire, cảnh sát tuần tra cũng đấu súng với một nhóm giấu mặt. Ở thành phố Koumassi, hàng trăm thanh niên đã dựng chướng ngại vật và đốt lốp xe, phong tỏa các đại lộ chính. Lực lượng an ninh đã được triển khai xung quanh thủ đô Abidjan để đảm bảo an ninh.

Trong khi đó, hàng nghìn người dân đã xuống đường tuần hành ủng hộ đương kim Tổng thống Gbagbo.

Tình hình tại Cote d'Ivoire trở nên căng thẳng sau khi cả hai ứng cử viên tổng thống là Tổng thống đương nhiệm Laurent Gbagbo và cựu Thủ tướng Alassane Quattara đều tuyên bố thắng cử.

Theo kết quả công bố hôm 3/12 của Ủy ban bầu cử Cote d'Ivoire, ông Quattara là người chiến thắng với 54,1% phiếu bầu, so với 45,9% số phiếu ủng hộ ông Gbagbo. Tuy nhiên, ngay sau đó, Hội đồng Hiến pháp, cơ quan có thẩm quyền xác nhận kết quả bầu cử ở Cote d'Ivoire, đã hủy kết quả bỏ phiếu ở bảy khu vực phía Bắc do phát hiện "nhiều sai phạm nghiêm trọng," và tuyên bố ông Gbagbo tái đắc cử với 51,45% số phiếu, trong khi ông Quattara chỉ được 48,55%.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi ông Gbagbo hành động "vì tương lai tốt đẹp của đất nước và hợp tác để tiến trình quá độ chính trị ở Cote d'Ivoire diễn ra thuận lợi."

Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Aston và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bày tỏ ủng hộ ứng cử viên Quattara và kêu gọi các bên thực hiện chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Đây là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên ở Cote d'Ivoire kể từ năm 2005 và được coi là bước cuối cùng trong tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt tình trạng khủng hoảng chính trị dai dẳng ở quốc gia Tây Phi này sau cuộc nội chiến 2002-2003./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục