Bạo lực học đường: Quan điểm lạc hậu và lỗ hổng nhận thức pháp lý

Quan điểm giáo dục quyền lực vẫn phổ biến trong xã hội. Nhận thức sai dẫn đến hành vi sai, và trẻ em vẫn tiếp tục bị xâm hại. Đến lượt mình, trẻ cũng học theo người lớn, sai cả nhận thức lẫn hành vi.
Đề giáo dục trẻ cần sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường, xã hội. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Để giáo dục và bảo vệ trẻ cần có sự vào cuộc của gia đình, sau đó là nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, cả gia đình, nhà trường và xã hội hiện vẫn chưa nhận thức đúng được vị trí, vai trò của mình, về phương pháp giáo dục và về vị trí, vai trò của trẻ em.

Từ lỗ hổng nhận thức...

Có một thực tế đau xót là bạo lực học đường đang được nhận thức sai từ chính nhà trường.Từ nhận thức chưa đúng về khái niệm bạo lực học đường, xâm phạm trẻ em, nhiều giáo viên đã sai lầm trong hành động và phương pháp giáo dục. Giáo dục quyền lực vẫn là lối tư duy nặng nề trong các nhà trường.

Chia sẻ về việc giáo viên có được đánh học sinh hay không, cô Nguyễn Thị Bích, một giáo viên ở Hà Nội nói: “Tôi nghĩ việc đó là bình thường, ‘thương cho roi cho vọt’. Việc vụt thước vào tay, chân học sinh để các em nhớ lần sau không phạm lỗi. Tôi cũng nói cô giáo của con mình có thể đánh con nếu con sai,” cô Bích nói.

Ngay cả lãnh đạo các trường cũng có quan điểm việc véo tai, tát, vụt học sinh là bình thường, thậm chí dung túng bao che cho hành vi sai trái của giáo viên.

[Bài 1: Chấn động bạo lực học đường: Chỉ là phần nổi của tảng băng trôi]

Tại buổi tọa đàm “Áp lực của giáo viên, nguyên nhân và giải pháp” do Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức gần đây, hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội than thở việc phải tiếp phụ huynh nửa ngày dù giáo viên “chỉ véo tai một cái” khi “học sinh nghịch quá mức”. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) coi việc học sinh đánh hội đồng và lột đồ bạn giữa lớp là chuyện “đánh sơ sơ”. Hiệu trưởng trường Trường Trung học cơ sở Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) thậm chí đề nghị phụ huynh im lặng dù giáo viên đánh học sinh đến 231 cái.

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc đưa lý do dùng bạo lực để giáo dục học sinh là ngụy biện vì không văn bản pháp luật nào cho phép, không một trường sư phạm nào dạy sinh viên làm điều đó. Đó là lối giáo dục quyền lực.

Tiến sỹ tâm lý giáo dục Nguyễn Tùng Lâm cho rằng việc nói dùng đòn roi để giáo dục học sinh là ngụy biện. (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) phân tích: “Thực chất đến 70% giáo viên được đào tạo theo cách cũ nên cổ hủ, bảo thủ, nghĩ mình sinh ra để dạy mọi người, học sinh kém mình nên mình có quyền. Đó là vấn đề rất nghiêm trọng cần xử lý.”

Cũng theo ông Hòa, mục tiêu giáo dục của Việt Nam từ trước tới nay là tạo ra các học sinh ngoan, vâng lời, với lối giáo dục áp đặt và quyền lực. Thầy cô cũng là sản phẩm của mục tiêu giáo dục đó nên không chấp nhận được việc học sinh hư và dễ bức xúc, muốn đưa học sinh vào khuôn khổ.

Trong khi đó, hiện giáo viên là một trong những nghề nghiệp phải chịu áp lực rất lớn: áp lực từ học sinh, phụ huynh, xã hội, áp lực thành tích điểm số, thi giáo viên giỏi, hồ sơ sổ sách…

“Khi giáo viên tự nghĩ đánh học sinh một vài cái là bình thường thì lúc bực tức lên họ sẽ khó có thể kiềm chế để tăng số lượng hành vi bạo lực. Vì thế, việc phải thay đổi nhận thức của giáo viên về vấn đề xâm hại học sinh là vô cùng quan trọng, trong đó, cái gốc là thay đổi nhận thức của các thầy cô về vai trò của mình, từ đó thay đổi phương thức giáo dục. Giáo viên ngày nay không phải là người truyền thụ mà là người đồng hành, hướng dẫn. Giáo dục quyền lực không còn phù hợp,” ông Hòa phân tích.

[Cán bộ xã vào trường tát học sinh ngay trước mặt thầy cô giáo]

Với học sinh, chính các em cũng không có kiến thức pháp lý liên quan đến trẻ em, không biết những việc mình được làm, không được làm, những việc người khác không được làm với bản thân. Theo luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh), qua kinh nghiệm nhiều năm đi tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho học sinh, đặc biệt là học sinh trung học cơ sở, ông thấy lỗ hổng này xuất hiện khá phổ biến.

“Chúng tôi đưa ra các tình huống học sinh đánh nhau, giáo viên đánh học sinh, phân tích rõ cho các em hiểu rằng việc hành hung, làm nhục người khác là vi phạm pháp luật và có thể sẽ phải đi tù. Tuy nhiên, đa số học sinh đều rất bất ngờ vì điều đó. Bản thân các em không ý thức được rằng đó là hành vi phạm pháp. Điều đó cho thấy đang có một lỗ hổng rất lớn trong kiến thức xã hội cũng như kiến thức pháp lý trong các em học sinh,” Luật sư Giang Hồng Thanh chia sẻ.

Hình ảnh giáo viên mầm non đánh học sinh thô bạo gây sốc dư luận. (Ảnh cắt từ clip)

Đến lỗ hổng hành vi

Theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho rằng, để giáo dục và bảo vệ trẻ em, vai trò trước tiên thuộc về gia đình, tiếp đó là nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, nhận thức chưa đúng như trên đã dẫn đến việc có những hành động chưa đúng với trẻ, như coi trẻ là trò chơi tiêu khiển bằng cách trêu chọc lấy vui, hoặc coi đánh mắng trẻ là cách dạy dỗ, thậm chí xâm hại tình dục trẻ em vì trẻ là đối tượng dễ đe dọa, ít kỹ năng. Trẻ em nhiều khi trở thành nơi trút những bức xúc giáo viên, cha mẹ, và cả bạn bè.

Cũng chính nhận thức này khiến việc giáo dục trẻ về vấn đề bạo lực học đường, các kỹ năng liên quan để tăng khả năng phòng tránh chưa được chú trọng. Gia đình và nhà trường chưa thực sự quan tâm tìm hiểu và chỉ dạy cho trẻ về quyền trẻ em, cách nhận diện các hành vi xâm phạm thân thể, cách xử lý tình huống khi bị xâm phạm, các kỹ năng liên quan.

Thậm chí, việc thực thi pháp luật về quyền trẻ em cũng chưa được chú trọng một cách đúng mức.

Ví dụ, theo Điều 85 của Luật Trẻ em, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm “tổ chức phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền và bổn phận của trẻ em cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.”

Tuy nhiên, trong các nhà trường hiện nay, điều này vẫn chưa được triển khai, hoặc chỉ tổ chức rất mờ nhạt bằng cách lồng vào môn giáo dục công dân ở cấp trung học, trong khi đối tượng dễ bị xâm hại nhất lại là bậc mầm non, tiểu học, và trung học cơ sở. Giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính cũng chưa được chú trọng.

Thông tư số 08 về Hướng dẫn khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh được ban hành từ năm 1988, đến nay đã hơn 30 năm và không còn phù hợp, ảnh hưởng đến hàng chục triệu học sinh, nhưng ngành giáo dục cũng mãi chưa sửa đổi.

Ông Nguyễn Trọng An bày tỏ lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Theo Luật Giáo dục, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tổng phụ trách đội phải có nhiệm vụ nắm bắt tình hình của trẻ, nhưng giáo viên ở Phú Thọ thậm chí còn tiếp tay dẫn trẻ cho hiệu trưởng dâm ô, giáo viên ở Hưng Yên coi việc trẻ bị bạn bạo hành là bình thường.

“Trong Luật Trẻ em, tôi chỉ sơ bộ cũng có đến 17 cơ quan, tổ chức được quy định nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, nhưng tình trạng trẻ em bị xâm hại vẫn diễn ra ngày càng trầm trọng. Điều đó cho thấy các cơ quan này đã không hoàn thành nhiệm vụ. Hành lang pháp lý có nhưng không chịu thực hiện thì làm sao cơ chế bảo vệ trẻ em từ gia đình, nhà trường, cộng đồng có thể thành hiện thực, làm sao trẻ em được bảo vệ. Đó là điều tôi muốn nói,” ông An chia sẻ.

Cũng theo ông An, trẻ vốn đã thiếu kiến thức pháp luật, lại thường xuyên phải chịu đựng hoặc chứng kiến các hành vi bạo lực diễn ra trong nhà trường và trong cả gia đình, sẽ khiến học sinh coi việc sử dụng bạo là bình thường. Giáo viên và phụ huynh là hai tấm gương gần gũi nhất với trẻ nhưng cũng đánh nhau theo kiểu “ăn miếng trả miếng.” “Những tấm gương như vậy sẽ tạo nên những đứa trẻ như thế nào?” ông An lo lắng nói./.

Bài 3: Sản phẩm của bạo lực học đường: Đi ngược mục tiêu giáo dục quốc gia

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục