Xây dựng văn hóa nhà trường, giáo dục giá trị sống-kỹ năng sống cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường, áp dụng các phương pháp kỷ luật tích cực, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống sư phạm cho giáo viên… là những giải pháp được đề xuất nhằm hạn chế bạo lực học đường.
Bởi theo các chuyên gia giáo dục, nếu chỉ xử lý “phần ngọn” theo kiểu vụ việc nhỏ lẻ, bằng các biện pháp như buộc thôi học vài ba ngày, hạ hạnh kiểm, cảnh cáo, kiểm điểm, rút kinh nghiệm… mà không giải quyết tận gốc vấn đề sẽ không thể đẩy lùi được vấn nạn này.
Đưa giáo dục giá trị sống - kỹ năng sống vào nhà trường
Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) chia sẻ giải pháp hàng đầu đối với các trường để giải quyết tận gốc những vấn đề nảy sinh trong nhà trường là tăng cường giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống.
Từ thực tế của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, 8 năm đưa giá trị sống-kỹ năng sống vào nhà trường đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận và xử lý những vấn đề về bạo lực học đường.
Các thầy cô giáo đã xử lý vấn đề tốt hơn, trường học trở nên thân thiện hơn, học sinh hạnh phúc hơn. Nhà trường không quá nặng về xử lý kỷ luật hay đánh giá đạo đức giáo viên, mà bồi dưỡng cho giáo viên thông qua giá trị sống-kỹ năng sống.
Từ đó, giáo viên biết quản lý cảm xúc của mình và chuyển hóa cảm xúc đó từ áp lực thành động lực, từ những vấn đề căng thẳng hàng ngày trở thành những chuyện họ có thể xử lý được và có động lực phấn đấu, cảm thấy hạnh phúc hơn. Giáo viên hạnh phúc, học sinh sẽ hạnh phúc và nhà trường sẽ đạt được kết quả giáo dục ở tầm cao.
Thầy Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh việc tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên là cần thiết, nhưng điều quan trọng là giáo viên phải tự đổi mới mình, giác ngộ được nhiệm vụ. Chính giáo viên thay đổi thì mới làm thay đổi được học sinh.
Giáo viên phải phấn đấu là một nhà giáo dục, một nhà tâm lý, nếu không trở thành một nhà tâm lý, một nhà giáo dục thực sự thì họ không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình và tương tự như vậy, các thầy hiệu trưởng, các nhà quản lý đều phải phấn đấu trở thành nhà giáo dục.
[Bạo lực học đường: Chuyện không chỉ riêng của Việt Nam]
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hiện tượng bắt nạt giữa các học sinh, phân biệt đối xử hoặc đối xử không bình đẳng giữa giáo viên với học sinh là hiện tượng phổ biến ở tuổi học trò, không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới.
Đây là mầm mống đẩy tới hành vi bạo lực trong trường học cũng như những hành vi vi phạm pháp luật của giáo viên, học sinh. Bạo lực học đường trước đây vẫn xảy ra nhưng thường ẩn giấu phía sau nhà trường, lớp học.
Ngày nay, với sự hỗ trợ của các phương tiện công nghệ, các vụ việc được đưa ra ánh sáng nhiều hơn. Nhận thức của người dân, của xã hội về vấn đề này cũng ngày càng tăng lên, vì vậy thay vì im lặng, họ sẽ tố cáo sự việc nhiều hơn. Trong thời gian tới, phần chìm của tảng băng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em sẽ ngày càng lộ rõ hơn...
Để giải quyết căn bản vấn đề, ông Đặng Hoa Nam cho rằng đầu tiên cần tăng cường giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về quyền và bổn phận của trẻ em cho giáo viên, học sinh, cho cha mẹ học sinh; ý thức tôn trọng danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của trẻ em.
Thứ hai, cần giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng lên tiếng cho học sinh, kỹ năng cung cấp thông tin, hỗ trợ can thiệp cho giáo viên, bố mẹ, người quản lý giáo dục, phụ trách Đoàn, Đội để nâng cao khả năng phòng ngừa và xử lý xung đột. Nhờ đó, khi có vấn đề xảy ra, các đối tượng liên quan có thể ứng phó một cách tốt nhất.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần triển khai ngay phương pháp kỷ luật tích cực trong hệ thống trường học cho giáo viên và sinh viên các trường sư phạm. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực, kỷ luật không nước mắt.
Hình phạt trong nhà trường với các em trong độ tuổi đang đi học cần nghiêm khắc nhưng phải hướng đến việc giáo dục và phát triển nhân cách cho các em.
Mục tiêu kỷ luật là giúp các em có thể tiếp tục phát triển như một công dân bình thường chứ không phải tách các em sang bên lề xã hội.
Đồng quan điểm trên, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết vai trò của các cơ sở giáo dục là tạo ra môi trường để học sinh có hành vi vi phạm nhận ra sai lầm, có điều kiện sửa sai, tiến bộ và trở lại môi trường học tập bình thường.
Đây là mục tiêu và yêu cầu rất quan trọng trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm. Chúng ta phải tìm ra được căn nguyên của hiện tượng các nhóm học sinh cá biệt gây ra hành vi bạo lực học đường. Khi đã xảy ra rồi thì chúng ta phải dùng các biện pháp xử lý thấu đáo.
Cần một chương trình hành động nhất quán và liên tục
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng ta cần nhận ra và xử lý tốt những yếu tố làm suy giảm hiệu quả của chương trình phòng, chống bạo lực học đường như chương trình chung không phân biệt đối tượng lứa tuổi, lý do sử dụng bạo lực; không đánh giá và có kế hoạch hỗ trợ tất cả học sinh tham dự hoặc chứng kiến hành động bạo lực.
Việt Nam cũng không có hoạt động sàng lọc phân loại và chương trình can thiệp tập trung cho những trẻ đã, đang sử dụng bạo lực. Việc giáo dục pháp luật, ý thức về phòng, chống bạo lực học đường cho giáo viên, học sinh, hay ban giám hiệu nhà trường chỉ dạy vài giờ cho có.
Sau một thời gian thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực học đường, chúng ta không tiếp tục giám sát và kiểm tra, dẫn đến suy giảm chất lượng.
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thành Nam nhấn mạnh nhìn từ kinh nghiệm thế giới, Việt Nam cần đưa ra một quy trình hành động phòng chống bạo lực học đường áp dụng một cách nhất quán và liên tục, kết hợp phòng ngừa và can thiệp, phối hợp các chương trình xã hội, nhà trường, nhóm nhỏ và cá nhân.
Các chương trình thực hiện ở nhà trường không chỉ dừng ở việc phòng ngừa bạo lực học đường, mà còn từ những chương trình hòa giải xung đột, vì đó là nguồn làm tăng bạo lực; xây dựng bầu không khí hợp tác; loại bỏ các nguy cơ dẫn đến bạo lực trong môi trường sinh thái-xã hội của học sinh.
Đồng thời, chương trình cần góp phần nâng cao lòng tự trọng và tư duy phản biện cho học sinh (dám nói, dám đấu tranh với cái xấu trên tinh thần xây dựng); thực hành và vận dụng các kỹ năng quản lý hành vi tích cực, kỷ luật không nước mắt.
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định ạo lực học đường gia tăng cho thấy trách nhiệm ngày càng nặng nề của các cấp quản lýb, nhà trường và giáo viên. Một trong những lỗ hổng lớn hiện nay là việc chậm trễ, thiếu kiểm soát của cơ sở giáo dục, khiến nhiều ca bạo lực không được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc dư luận.
Thực tế ấy đòi hỏi hiệu trưởng các nhà trường cần tăng tính chủ động và ý thức tự giác, không né tránh trách nhiệm.
Với các trường sư phạm, nhiệm vụ quan trọng của các trường là thực hiện hai nền tảng, tâm lý giáo dục và phương pháp giảng dạy. Nếu không làm tốt được điều này sẽ khó phân biệt được trường sư phạm và trường khác.
Trong quá trình đào tạo, các trường cần tiếp tục cập nhật, đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên và giáo viên các quy định về đạo đức, kỹ năng ứng xử; tăng cường rèn kỹ năng ứng phó với các tình huống có vấn đề cho sinh viên…
Nhấn mạnh vai trò của “kiềng ba chân” gia đình-nhà trường và xã hội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội là vấn đề có tính nguyên tắc, bảo đảm cho mọi hoạt động giáo dục đạt hiệu quả.
Với gia đình, người lớn phải giữ uy tín, vai trò nêu gương đối với con cháu, mọi thành viên yêu thương nhau, có nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau. Cha mẹ dành thời gian nhiều hơn để đồng hành, trò chuyện cùng con, nắm bắt tâm tư, tình cảm, thường xuyên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để hiểu hơn về hoạt động của con ở trường, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục các em.
Mỗi nhà trường phải xây dựng môi trường dân chủ, lành mạnh, thân thiện. Phát huy vai trò của các tổ chức trong trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán sự lớp, nhân viên bảo vệ… trong việc giáo dục học sinh, tạo sự tin tưởng để học sinh có thể chia sẻ khó khăn với giáo viên.
Chính quyền địa phương cần chỉ đạo các ban, ngành đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác giáo dục đạo đức, lối sống và xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, thân thiện trong các cơ sở giáo dục./.