Hai người chết là anh Phạm Thanh Sơn (sinh năm 1997 trú tại Ngô Quyền, Hải Phòng) bị sóng cuốn trôi khi đi sát mép bờ kè khu vực du lịch Đồ Sơn và ông Phàn Seo Ngán (sinh năm 1957, dân tộc Dao, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) bị sét đánh; một người mất tích là ông Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1961 ở thành phố Lào Cai) do cứu người lội qua suối nên bị lũ cuốn trôi; hai người bị thương tại Phú Thọ và Thanh Hóa.
Ngoài ra, hơn 1.000 nhà đã bị đổ, ngập, hư hại, trong đó Thanh Hóa là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với gần 770 nhà bị ảnh hưởng. Diện tích lúa bị ngập, thiệt hại là 8.027ha, tập trung ở các tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa; 4.188ha hoa màu bị ngập, thiệt hại, chủ yếu ở Thanh Hóa và Hà Tĩnh; 6,7ha cây công nghiệp ngắn ngày bị ngập, thiệt hại; gần 43.600 cây các loại bị đổ.
Mưa bão còn làm trên 450m kè tại Nam Định, Thái Bình và Thanh Hóa bị sạt; 135ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; đổ gần 300 cột điện hạ thế; gần 1.200m3 đất đá, bêtông, đường giao thông bị sạt lở. Do mưa lớn, nhiều tuyến đường ở Thủ đô Hà Nội và tỉnh Nghệ An đã bị ngập cục bộ.
Hiện các tỉnh, thành phố này đang khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả mưa bão.
Tại Hà Tĩnh, cơn bão số 6 đã làm trên 1.000ha lúa hè thu và hoa màu ở các huyện Kỳ Anh, Hương Khê, thành phố Hà Tĩnh bị ngập úng, chín cột điện bị đổ gãy, hàng trăm kilômét đường giao thông nông thôn bị sạt lở.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ, mưa to, gió lớn đã làm một người bị thương; 62 nhà dân, nhà văn hóa, trạm y tế, trụ sở Ủy ban nhân dân xã bị sập đổ, tốc mái; 70ha lúa và hoa màu bị ngập; 55 phai tạm, cọn nước bị hư hỏng… Ngay sau khi mưa to, gió lốc xảy ra, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh và các huyện, thành, thị đã tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả. Các địa phương huy động lực lượng dân quân tự vệ kết hợp với những gia đình có nhà tốc mái, khẩn trương dựng lại nhà, sớm ổn định cuộc sống của người dân.
[Bắc bộ và Bắc Trung Bộ thiệt hại nặng do bão số 6]
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình, bão số 6 không gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhưng với lượng mưa trước và trong bão khá lớn, liên tục từ trưa đến chiều tối ngày 7/8 đã làm ngập úng một số nơi vùng thấp trũng ở các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải và thành phố Thái Bình.
Sáng 8/8, sau khi mưa bắt đầu ngớt, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo 2 Công ty thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình bố trí lực lượng, mở cống để tiêu nước trên các hệ thống sông trục. Các phường trên địa bàn thành phố Thái Bình cũng khẩn trương thu dọn các cành cây, gốc cây bị bật đổ sau bão số 6. Các địa phương tiếp tục phân công cán bộ xuống các xã, thị trấn nắm tình hình thiệt hại, khẩn trương khắc phục hậu quả, đặc biệt là công tác phòng chống úng. Các công ty khai thác công trình thủy lợi theo dõi sát mực nước thủy triều, mở hết các cống dưới đê tiêu úng tự chảy đồng thời vận hành các trạm bơm tiêu úng để tiêu bằng động lực. Các địa phương huy động nhân lực khơi thông dòng chảy, giải phóng vật cản trên các sông trục nội đồng, sông dẫn trạm bơm phục vụ tiêu nước nhanh; tiếp tục theo dõi diễn biễn các vị trí đê, kè, cống xung yếu, bố trí lực lượng, vật tư và phương tiện kịp thời khắc phục và xử lý nếu xảy ra sự cố.
Từ tối 7 đến chiều 8/8, do ảnh hưởng bão số 6, trên địa bàn Lào Cai có mưa, mưa rào trên diện rộng và rải rác có giông. Mưa đều khắp, khiến các sông suối Lào Cai xuất hiện một đợt lũ mới biên độ trên 2,5m. Hiện nước ở các con suối đang rút chậm nhưng theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Lào Cai, diễn biến thời tiết sau bão số 6 vẫn khá phức tạp. Trời nhiều mây và còn có khả năng mưa to vào đêm nay. Vì vậy, các địa phương cần có biện pháp phòng tránh cho người dân, nhất là đối với các hộ dân sinh sống dọc hai bên vùng thấp ven các sông, suối tránh trượt lở đất và lũ ống, lũ quét.
Bão số 6 đã đổ bộ vào các huyện ven biển Thanh Hóa với cường độ gió giật cấp 9, cấp 10 gây mưa to trên địa bàn. Lượng mưa trung bình đo được trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phổ biến ở mức 50-100 mm, có nơi lên đến 155 mm như ở Bát Mọt, Cửa Đặt, Tĩnh Gia. Khi bão đổ bộ vào đất liền, các lực lượng chức năng đã liên tục tuần tra trên khu vực đê biển cũng như các trọng điểm xung yếu để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Ngành Công Thương tỉnh đã dự trữ 577 tấn gạo, 8.600 thùng mì tôm, lương khô, gần 3.000 thùng nước uống đóng chai, xăng, dầu hỏa... cùng một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhân dân các huyện miền núi và vùng thường xảy ra thiên tai...
Tỉnh Thanh Hóa đang thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lụt tại các địa bàn xung yếu; chỉ đạo vận hành các hồ chứa, có phương án bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ đang có sự cố. Lực lượng chức năng của tỉnh cũng tổ chức hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các địa phương chủ động biện pháp tiêu úng, thoát lũ để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu, đề phòng xảy ra mưa lớn kéo dài sau bão.
Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, những trận mưa liên tiếp, cường độ lớn dần do ảnh hưởng cơn bão số 6 từ sáng sớm đến trưa 8/8 đã gây ra một số điểm úng ngập, đặc biệt là những khu vực địa hình trũng, tuyến phố chưa có hệ thống thoát nước hoặc hệ thống thoát nước chưa được bàn giao cho Công ty Thoát nước quản lý... Ngay khi xảy ra mưa, toàn bộ cán bộ công nhân viên của Công ty Thoát nước đã thực hiện ứng trực trên địa bàn thành phố theo phương án thoát nước mùa mưa, tua vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy, vệ sinh mặt đường. Các dàn thiết bị cơ giới hỗ trợ nạo vét, thông tắc tại các vị trí đã được phân công. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đã được mở để điều hòa nước. Trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống.
Theo thông báo của Đài khí tượng thủy văn Đồng bằng Bắc Bộ, áp thấp nhiệt đới vẫn tiếp tục gây mưa cho khu vực Hà Nội, Công ty Thoát nước tiếp tục tổ chức ứng trực tại hiện trường, bố trí cán bộ, công nhân viên sẵn sàng thực hiện theo phương án thoát nước mùa mưa; đồng thời tiếp tục vận hành trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm cục bộ khác để hạ mực nước đệm trên hệ thống về cao trình theo kế hoạch được duyệt để chủ động đối phó với đợt mưa tiếp theo.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đang chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi vận hành 30 máy bơm công suất lớn, mở 3 cống ở một số địa bàn ngập nặng nhằm tiêu thoát nhanh nước đệm cứu lúa.
Bão số 6 đã gây mưa trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định, làm hư hại hệ thống đê kè, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, hoa màu… ước tính thiệt hại khoảng 64 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đang tích cực chỉ đạo các địa phương tiếp tục kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên tuyến đê sông, đê biển và các công trình đang thi công để có phương án xử lý, đảm bảo an toàn đê điều.
Đặc biệt, tỉnh Nam Định sẽ tập trung sửa ngay các công trình bị hư hỏng do bão số 6 gây ra, ưu tiên các đoạn mái đê, kè biển bị hư hỏng cục bộ là dốc đuôi kè Gót Tràng (huyện Hải Hậu), đê bối Ngọc Lâm (huyện Nghĩa Hưng) và kè bãi tắm Quất Lâm (huyện Giao Thủy); đồng thời chủ động bổ sung vật tư dự trữ, đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão, chỉ đạo và hướng dẫn nông, ngư dân khôi phục lại sản xuất.
Tại Thái Nguyên, trên địa bàn huyện Phú Bình có hai điểm trường bị đổ tường bao, sập và tốc mái năm phòng học; trên 200m kênh mương thuộc các xã Hà Châu, Bảo Lý, Tân Kim, Điềm Thụy bị sạt lở hoàn toàn. Tại địa bàn huyện Võ Nhai, mưa lớn cũng làm sạt lở 20m đất đồi cao 4m ở xã Vũ Chấn, gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ. Tại thành phố Thái Nguyên, bảy ngôi nhà ở phường Tích Lương và Thịnh Đức bị tốc mái.
Ngoài ra, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt trượt, hư hỏng nặng. Hiện nay, chính quyền địa phương nơi chịu thiệt hại do bão số 6 đã tổ chức kiểm tra, huy động mọi phương tiện, nhân lực tại chỗ xử lý, khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão. Trước mắt, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên yêu cầu chính quyền địa phương di dời ngay các hộ dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao đến chỗ an toàn./.