Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị cấp cao APEC, ngày 10/11, nhật báo Đại Công báo của Hong Kong đã đăng tải đậm nét về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc qua bài viết “APEC thúc đẩy hợp tác Trung-Việt phát triển lên tầm cao mới” của tác giả Lạc Lịch Sinh, Tổng Biên tập Tạp chí Kết nối quốc tế, được xem là diễn đàn ngoại giao của Tổng Lãnh sự quán các nước tại Đặc khu Hành chính Hong Kong, Trung Quốc.
VietnamPlus xin giới thiệu nội dung chính của bài viết:
Nước chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 là Việt Nam, địa điểm được lựa chọn tổ chức sự kiện trọng đại trên ở Đà Nẵng, thành phố lớn thứ tư ở Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam mong muốn thông qua việc tổ chức các sự kiện quốc tế lớn để nâng cao uy tín quốc tế và hình ảnh của Việt Nam, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực miền Trung Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam coi việc tổ chức APEC là công tác trọng tâm trong năm nay, đây cũng là công việc ưu tiên chiến lược trong quá trình hội nhập toàn diện vào cộng đồng quốc tế và nâng cao công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam.
[Phát huy xu thế tích cực của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc]
Trên thực tế, Việt Nam đã tiến hành cải cách mở cửa gần 30 năm qua và đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ năm 2011-2015 đã giảm xuống còn 5,9%. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của thế giới, đây vẫn là mức tăng trưởng cao.
Về quy mô kinh tế, GDP bình quân đầu người năm 2016 của Việt Nam đã đạt 2.300 USD. Về đầu tư nước ngoài, trong năm 2016, Việt Nam cấp phép đầu tư đối với 2.526 dự án mới, với số vốn đăng ký đạt 15,1 tỷ USD, ngoài ra có 1.225 dự án tăng vốn đầu tư, với tổng số vốn đầu tư tăng thêm là 5,76 tỷ USD. Trong tương lai, đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ tập trung vào chất lượng, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường và kinh tế mới.
Trao đổi kinh nghiệm, mở rộng các lĩnh vực hợp tác
Việt Nam là nước láng giềng hữu nghị của Trung Quốc và là một trong những nước nằm dọc theo “Vành đai, Con đường.” Việt Nam ủng hộ Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc và tích cực tìm kiếm không gian hợp tác giữa hai nước.
Ngày 10/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu chuyến đi tới Việt Nam để tham dự Hội nghị cấp cao APEC và sẽ thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày (từ ngày 12-13/11) theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Việt Nam mong muốn nhân cơ hội này để tăng cường lòng tin chính trị, thu hẹp khác biệt và tăng cường hợp tác giữa hai nước.
Ngoài việc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo hai nước, trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao APEC, một số ban ngành và đoàn đại biểu một số tỉnh, thành của Việt Nam sẽ có các cuộc hội đàm song phương với các thành viên thuộc phái đoàn đại biểu của Trung Quốc, hai bên sẽ đi sâu thảo luận về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Phía Việt Nam mong muốn được tư vấn về các lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử, xây dựng các cơ sở hạ tầng và các sản phẩm công nghệ cao mới; ngoài ra phía Việt Nam cũng hy vọng giới doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam và ngày càng nhiều công dân Trung Quốc đến Việt Nam khảo sát, tham quan du lịch.
Nhìn chung, thông qua Hội nghị APEC và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình lần này, quan hệ đối tác hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ phát triển lên một tầm cao mới./.